video

Hỗ trợ trực tuyến


 ĐIỀU HÀNH TOUR

KIM DUNG

0976955076



Dịch vụ khác

CÔNG TY DU LỊCH HÀM RỒNG -: 0976 955076

Chương trình kích cầu du lịch 2016

Để đáp ứng nhu cầu của du khách, HamRongTour phối hợp cùng các nhà cung cấp dịch vụ thực hiện chương trình “kích cầu nội địa”, giảm giá tour nội địa nhằm đưa du khách đến nhiều danh thắng trong nước và Quốc tế.

Tin tức Hamrongtour

Đà Lạt

Đà Lạt là thành phố tỉnh lỵ của tỉnh Lâm Đồng, nằm trên cao nguyên Lâm Viên, thuộc vùng Tây Nguyên, Việt Nam. Từ xa xưa, vùng đất này vốn là địa bàn cư trú của những cư dân người Lạch, người Chil và người Srê thuộc dân tộc Cơ Ho.

Cuối thế kỷ 19, khi tìm kiếm một địa điểm để xây dựng trạm nghỉ dưỡng dành cho người Pháp ở Đông Dương, Toàn quyền Paul Doumer đã quyết định chọn cao nguyên Lâm Viên theo đề nghị của bác sỹ Alexandre Yersin, người từng thám hiểm tới nơi đây vào năm 1893. Trong nửa đầu thế kỷ 20, từ một địa điểm hoang vu, những người Pháp đã quy hoạch và xây dựng lên một thành phố xinh đẹp với những biệt thự, công sở, khách sạn và trường học, một trung tâm du lịch và giáo dục của Đông Dương khi đó. Trải qua những khoảng thời gian thăng trầm của hai cuộc chiến tranh cùng giai đoạn khó khăn những thập niên 1970–1980, Đà Lạt ngày nay là một thành phố 209 ngàn dân, đô thị loại I trực thuộc tỉnh, giữ vai trò trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa của tỉnh Lâm Đồng.

Với độ cao 1.500 mét so với mực nước biển và được các dãy núi cùng quần hệ thực vật rừng bao quanh, Đà Lạt thừa hưởng một khí hậu miền núi ôn hòa và dịu mát quanh năm. Lịch sử hơn một thế kỷ cũng để lại cho thành phố một di sản kiến trúc giá trị, được ví như một bảo tàng kiến trúc châu Âu thế kỷ 20. Những tài nguyên thiên nhiên và nhân văn phong phú giúp Đà Lạt trở thành một trong những điểm du lịch nổi tiếng của Việt Nam, mỗi năm thu hút hàng triệu du khách tới thăm viếng và nghỉ dưỡng. Đà Lạt còn là một trung tâm giáo dục và nghiên cứu khoa học, một thành phố đa dạng về tôn giáo với sự hiện diện của hàng trăm ngôi chùa, nhà thờ, tu viện... một vùng nông nghiệp trù phú đặc biệt với những sản phẩm rau và hoa. Nhờ khí hậu ôn hòa, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp và di sản kiến trúc phong phú, Đà Lạt còn được biết đến với nhiều tên gọi khác như “Thành phố mù sương”, “Thành phố ngàn thông”, “Thành phố ngàn hoa”, “Xứ hoa Anh Đào” hay “Tiểu Paris”.

Mặc dù là một đô thị du lịch nổi tiếng, nhưng Đà Lạt lại là một thành phố thiếu vắng các địa điểm văn hóa, giải trí đa dạng. Quá trình đô thị hóa ồ ạt khiến thành phố ngày nay phải chịu nhiều hệ lụy. Nhiều cánh rừng thông dần biến mất, thay thế bởi các công trình xây dựng hoặc những vùng canh tác nông nghiệp. Do không được bảo vệ tốt, không ít danh thắng và di tích của thành phố rơi vào tình trạng hoang tàn, đổ nát. Sự phát triển thiếu quy hoạch trong những thập niên gần đây khiến kiến trúc đô thị Đà Lạt chịu nhiều biến dạng và trở nên nhem nhuốc. Trong khắp thành phố, nhiều ngôi biệt thự cùng không ít những công trình kiến trúc chịu sự tàn phá của thời gian mà không được bảo tồn, gìn giữ.

 

Tên gọi

 

Địa danh Đà Lạt được bắt nguồn từ chữ Đạ Lạch, tên gọi của con suối Cam Ly. Khởi nguồn từ huyện Lạc Dương, dòng suối Cam Ly chảy qua khu vực Đà Lạt theo hướng bắc – nam, trong đó đoạn từ khoảng hồ Than Thở tới thác Cam Ly ngày nay được gọi là Đạ Lạch. Theo ngôn ngữ của người Thượng, Da hay Dak có nghĩa là nước, tên gọi Đà Lạt có nghĩa nước của người Lát, hay suối của người Lát. Trong một bài phỏng vấn đăng trên tạp chí Revue Indochine tháng 4 năm 1944, công sứ Cunhac, một trong những người tham gia xây dựng thành phố từ ngày đầu, đã nói: “Cho mãi tới những năm sau này, khung cảnh ban sơ vẫn không có gì thay đổi. Ở tại chỗ của cái hồ nước trước đó, con suối nhỏ của bộ lạc người Lát đã chảy qua và người ta đã gọi suối này là Đà Lạt”. Vào thời kỳ đầu, các bản đồ cũng như sách báo thường chỉ nhắc đến địa danh Dankia hay Lang Biang. Nhưng sau khi Đà Lạt được chọn làm nơi nghỉ dưỡng thay vì Dankia, và đặc biệt từ khi nơi đây trở thành một thành phố, địa danh Đà Lạt mới xuất hiện thường xuyên.

Những người có công kiến thiết thành phố còn sáng tạo một câu cách ngôn khéo léo bằng tiếng La Tinh: Dat Aliis Laetitiam Aliis Temperiem, có nghĩa Cho người này nguồn vui, cho kẻ khác sức khỏe. Tác giả André Morval đã viết câu cách ngôn chiết tự này ở đầu một bài báo nhan đề Dalat: Cité de la Jeunesse với nội dung: “Những người khai sinh ra nơi nghỉ mát trên miền núi danh tiếng của chúng ta đã xác định một cách rất hợp lý những nét hấp dẫn và những đặc tính tốt bằng một câu cách ngôn ghép chữ đầu rất khéo léo để liền theo huy hiệu thành phố”. Năm 1937, khi xây dựng chợ Đà Lạt mới thay cho ngôi chợ cũ bằng gỗ bị cháy, người ta đã đề dòng chữ Dat Aliis Laetitiam Aliis Temperiem trên tường đầu hồi của công trình, phía trên là huy hiệu thành phố hình tròn, tạc hình một đôi thanh niên nam nữ người dân tộc. Với khí hậu ôn hòa, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp và những di sản kiến trúc Pháp phong phú, Đà Lạt còn được gọi bằng nhiều cái tên khác như “Thành phố mù sương”, “Thành phố ngàn thông”, “Thành phố ngàn hoa”, “Xứ hoa Anh Đào” hay “Tiểu Paris”.

 

Lịch sử

 

Vùng cao nguyên Lâm Viên từ xa xưa là địa bàn cư trú của người Lạch, người Chil và người Srê thuộc dân tộc Cơ Ho. Cuối thế kỷ 19, nhiều nhà thám hiểm người Pháp đã thực hiện những chuyến đi xuyên sâu vào vùng đất này. Tiên phong trong số họ là bác sỹ Paul Néis và trung úy Albert Septans với chuyến thám hiểm thực hiện đầu năm 1881. Năm 1893, nhận nhiệm vụ từ Toàn quyền Jean-Marie de Lanessan, bác sỹ Alexandre Yersin đã tiến hành khảo sát một tuyến đường bộ từ Sài Gòn xuyên qua vùng đất của người Thượng và kết thúc ở một địa điểm trên bờ biển Trung Kỳ. Ngày 21 tháng 6 năm 1893, trên hành trình thám hiểm, Alexandre Yersin đã tới cao nguyên Lâm Viên. Năm 1897, trong khi tìm kiếm một địa điểm để xây dựng trạm nghỉ dưỡng cho những người Pháp ở Đông Dương, Toàn quyền Paul Doumer gửi thư hỏi ý kiến Alexandre Yersin. Khi nhận được thư của Paul Doumer, Alexandre Yersin gợi ý chọn cao nguyên Lâm Viên, một vùng đất lý tưởng thỏa mãn đầy đủ các điều kiện: độ cao thích hợp, diện tích đủ rộng, nguồn nước bảo đảm, khí hậu ôn hòa và có thể thiết lập đường giao thông. Cuối tháng 3 năm 1899, Paul Doumer cùng với Alexandre Yersin đích thân đến khảo sát thực tế tại cao nguyên Lâm Viên.

Dự án xây dựng Đà Lạt bị gián đoạn khi Toàn quyền Paul Doumer trở về Pháp vào năm 1902. Mặc dù vậy, trong khoảng thời gian tiếp theo, nhiều đoàn khảo sát vẫn được gửi đến cao nguyên Lâm Viên để nghiên cứu và các tuyến đường giao thông tới Đà Lạt cũng dần hình thành. Giữa thập niên 1910, Thế chiến thứ nhất bùng nổ khiến nhiều người Pháp không thể về quê hương trong những kỳ nghỉ, Đà Lạt dần trở thành điểm đến của họ. Ngày 20 tháng 4 năm 1916, Hội đồng nhiếp chính của vua Duy Tân thông báo Dụ thành lập thị tứ Đà Lạt. Trong vòng ba mươi năm, từ một địa điểm hoang vu, một thành phố đã hình thành với đầy đủ hệ thống cơ sở hạ tầng, các trường học, bệnh viện, khách sạn, công sở và dinh thự. Tới thập niên 1940, Đà Lạt bước vào giai đoạn cực thịnh của thời kỳ Pháp thuộc, “thủ đô mùa hè” của toàn Liên bang Đông Dương. Trong những năm chiến tranh, thành phố vẫn giữ vai trò một trung tâm du lịch nghỉ dưỡng và khoa học giáo dục của miền Nam Việt Nam. Dưới thời Tổng thống Ngô Đình Diệm, nhiều trường học, trung tâm văn hóa và các công trình kiến trúc tiếp tục ra đời. Nhưng kể từ năm 1964, khi cuộc chiến tranh Việt Nam bước vào giai đoạn khốc liệt, việc phát triển đô thị ít được coi trọng, thay vào đó là sự xuất hiện của những công trình phục vụ cho mục đích quân sự.

Sau chiến tranh, Đà Lạt tiếp tục bước vào một thời kỳ khó khăn khi phải đối mặt với vấn đề lương thực và thực phẩm, việc xây dựng phát triển thành phố vì thế không còn được chú trọng. Diện tích canh tác nông nghiệp mở rộng đã ảnh hưởng nhiều tới cảnh quan thiên nhiên và môi sinh của thành phố. Du lịch Đà Lạt giai đoạn này cũng trầm lắng bởi sự khó khăn chung của nền kinh tế Việt Nam. Từ cuối thập niên 1980, đầu thập niên 1990, thành phố dần phát triển trở lại với làn sóng khách du lịch tìm tới ngày một đông và hệ thống cơ sở hạ tầng tiếp tục được xây dựng. Ngày 24 tháng 7 năm 1999, Đà Lạt được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận là đô thị loại II và ngày 23 tháng 3 năm 2009, Đà Lạt chính thức trở thành thành phố đô thị loại I.

 

Địa lý

 

Địa hình

 

Thành phố Đà Lạt rộng 394,64 km², nằm trên cao nguyên Lâm Viên, nơi có độ cao khoảng 1.500 mét so với mực nước biển. Với tọa độ địa lý 11°48’36’’ đến 12°01’07’’ vĩ độ bắc và 108°19’23’’ đến 108°36’27’’ kinh độ đông, Đà Lạt nằm trọn trong tỉnh Lâm Đồng, phía bắc giáp huyện Lạc Dương, phía đông và đông nam giáp huyện Đơn Dương, phía tây giáp huyện Lâm Hà, phía tây nam giáp huyện Đức Trọng. Sau đợt điều chỉnh địa giới hành chính gần đây nhất vào năm 2009, Đà Lạt bao gồm 12 phường, được định danh bằng số thứ tự từ 1 đến 12, và bốn xã Xuân Thọ, Xuân Trường, Tà Nung và Trạm Hành.

Địa hình Đà Lạt được phân thành dạng rõ rệt: địa hình núi và địa hình bình nguyên trên núi. Địa hình núi phân bố xung quanh vùng cao nguyên trung tâm thành phố. Các dãy núi cao khoảng 1.700 mét tạo thành một vành đai chắn gió che cho khu vực lòng chảo trung tâm. Từ thành phố nhìn về hướng bắc, dãy Lang Biang như một tường thành theo hướng đông bắc – tây nam, kéo dài từ suối Đạ Sar đến hồ Dankia. Hai đỉnh cao nhất của dãy núi này có độ cao 2.167 mét và 2.064 mét. Án ngữ phía đông và đông nam Đà Lạt là hai dãy Bi Doup và Cho Proline. Về phía nam, địa hình núi chuyển tiếp sang bậc địa hình thấp hơn, đặc trưng là khu vực đèo Prenn với các dãy núi cao xen kẽ những thung lũng sâu. Trung tâm Đà Lạt như một lòng chảo hình bầu dục dọc theo hướng bắc – nam với chiều dài khoảng 18 km, chiều rộng khoảng 12 km. Những dãy đồi đỉnh tròn ở đây có độ cao tương đối đồng đều nhau, sườn thoải về hướng hồ Xuân Hương và dần cao về phía các vùng núi bao quanh. Nơi cao nhất trong trung tâm thành phố là Bảo tàng Lâm Đồng với độ cao 1.532 mét, còn điểm thấp nhất là thung lũng Nguyễn Tri Phương, độ cao 1.398 mét.

Trên địa phận thành phố Đà Lạt, xen giữa vùng đồi thấp trung tâm thành phố và các dãy núi bao quanh, có thể thấy hơn 20 dòng suối có chiều dài trên 4 km, thuộc các hệ thống suối Cam Ly, Đa Tam và hệ thống sông Đa Nhim. Đây đều là những con suối đầu nguồn thuộc lưu vực sông Đồng Nai, trong đó hơn một nửa là các con suối cạn, chỉ chảy vào mùa mưa và cạn kiệt vào mùa khô. Suối Cam Ly dài 64,1 km, bắt nguồn từ huyện Lạc Dương, chảy theo hướng bắc – nam và đổ vào hồ Xuân Hương, chính là hệ thống suối lớn nhất Đà Lạt, có vai trò quan trọng trong việc tạo cảnh quan cho khu vực trung tâm thành phố. Đà Lạt còn nổi tiếng là thành phố của hồ và thác với khoảng 16 hồ lớn nhỏ phân bố rải rác, phần nhiều là các hồ nhân tạo. Hồ Xuân Hương nằm ở trung tâm thành phố, rộng khoảng 38 ha, được tạo lập năm 1919 trong quá trình xây dựng Đà Lạt. Trước năm 1986, hồ Xuân Hương cùng hồ Chiến Thắng và hồ Than Thở là nguồn cung cấp nước chủ yếu cho thành phố. Ngày nay, nguồn nước sinh hoạt được dẫn về từ hồ Dankia thuộc huyện Lạc Dương, cách Đà Lạt khoảng 17 km.

 

Khí hậu

 

Nằm ở độ cao 1.500 mét và được các dãy núi cùng quần hệ thực vật rừng, đặc biệt là rừng thông bao quanh, nên tuy ở trong vùng nhiệt đới gió mùa, Đà Lạt vẫn có một khí hậu miền núi ôn hòa và dịu mát quanh năm. Ở Đà Lạt có hai mùa rõ rệt: mùa mưa và mùa khô. Mùa mưa trùng với mùa gió mùa tây nam, bắt đầu từ tháng 5 và kết thúc vào tháng 10. Còn mùa khô trùng với mùa gió mùa đông bắc, kéo dài từ tháng 11 năm trước đến tháng 4 năm sau. Vào mùa khô, Đà Lạt chịu ảnh hưởng của khối không khí biển Đông, mang lại thời tiết nắng ấm, ít mây, không mưa, nhiệt độ hạ thấp về ban đêm và biên độ nhiệt lớn. Trong những tháng mùa mưa, gió mùa đông bắc hầu như không còn ảnh hưởng đến Đà Lạt, thay thế bởi khối không khí xích đạo từ phía nam tràn lên phía bắc. Gió mùa tây nam mang lại nguồn ẩm chủ yếu cho những trận mưa lớn và những đợt mưa kéo dài nhiều ngày. Mặc dù vậy, do ảnh hưởng của khối không khí nhiệt đới Thái Bình Dương, trong mùa mưa vẫn có những thời kỳ thời tiết tạnh ráo.

Nhiệt độ trung bình tháng ở Đà Lạt không bao giờ vượt quá 20°C, ngay cả trong những tháng nóng nhất. Tuy vậy, Đà Lạt cũng không phải là nơi có nhiệt độ trung bình tháng thấp. Trong những tháng mùa đông, nhiệt độ trung bình tháng vẫn trên 14°C. Theo số liệu thống kê từ năm 1964 tới năm 1998, nhiệt độ trung bình năm ở Đà Lạt là 17,9°C, trong đó năm 1973 có nhiệt độ trung bình cao nhất lên đến 18,5°C, còn năm 1967 nhiệt độ trung bình xuống thấp nhất, 17,4°C. Nếu so sánh với Sa Pa, thị trấn nghỉ dưỡng ở miền Bắc nằm trên độ cao 1.581 mét, thì nhiệt độ trung bình ở Đà Lạt cao hơn 2,6°C. Biên độ nhiệt độ ngày đêm ở Đà Lạt rất lớn, trung bình năm đạt 11°C, cao nhất trong những tháng mùa khô, lên tới 13 – 14°C, và thấp nhất trong những tháng mùa mưa, chỉ khoảng 6 – 7°C. Ngược lại, biên độ nhiệt trung bình giữa các tháng trong năm lại nhỏ, tháng ấm nhất và tháng lạnh nhất cũng chỉ chênh lệnh 3,5°C. Độ dài ngày trong các mùa ở Đà Lạt không có sự chênh lệch lớn, trung bình khoảng từ 11 đến ít hơn 12 giờ vào mùa đông và trên 12 giờ vào mùa hè. Tổng số giờ nắng trong năm ở đây tương đối cao, khoảng 2.258 giờ một năm, tập trung chủ yếu vào các tháng 12, 1, 2 và 3 của mùa khô. Tổng lượng bức xạ thu nhập ở Đà Lạt khoảng 140 kCalo/cm²/năm, nhiều nhất vào tháng 4 và ít nhất vào tháng 8. Nếu so với các vùng lân cận, lượng bức xạ Mặt Trời của Đà Lạt không cao, nhưng đây là nguồn năng lượng chủ yếu cho các quá trình trao đổi nhiệt, mang lại nền nhiệt độ thấp và tương đối ôn hòa.

Mùa mưa ở Đà Lạt thường bắt đầu vào cuối tháng 4, đầu tháng 5 và kết thúc vào khoảng cuối tháng 10, đầu tháng 11. Tuy hàng năm, thời điểm bắt đầu và kết thúc của mùa mưa có thể thay đổi, nhưng mùa mưa ở đây thường kéo dài khoảng hơn 6 tháng. Trung bình, một năm Đà Lạt có 161 ngày mưa với lượng mưa 1.739 mm, tập trung nhiều nhất vào ba tháng 7, 9 và 10, ba tháng có sự hoạt động mạnh của trường gió mùa tây nam. Nếu lấy trung bình từ tháng 5 tới tháng 10, tổng lượng mưa trong mùa mưa ở Đà Lạt chiếm đến gần 80% lượng mưa của cả năm. So với vùng đồng bằng, Đà Lạt có số ngày mưa trong năm nhiều hơn, nhưng lượng mưa lại thấp hơn. Ở Đà Lạt còn có một hiện tượng thời tiết đáng chú ý khác là sương mù, trung hình 80 đến 85 ngày trong một năm, nhưng xuất hiện nhiều nhất vào khoảng thời gian từ tháng 2 tới tháng 5 và từ tháng 9 đến tháng 10. Phổ biến hơn cả là loại sương mù bức xạ được hình thành khi mặt đất bị lạnh đi nhiều do bức xạ vào lúc trời quang, lặng gió. Sương mù dày ít xảy ra hơn, thường gặp vào tháng 9 và tháng 10, trung bình mỗi tháng có tới 4 đến 5 ngày sương mù dày.

 

Dân cư

 

Trải qua hơn một trăm năm lịch sử, từ một trung tâm nghỉ dưỡng trở thành một đô thị lớn, cộng đồng dân cư Đà Lạt thay đổi theo quá trình hình thành và phát triển của thành phố. Vào năm 1893, khi bác sĩ Alexandre Yersin đến cao nguyên Lâm Viên, nơi đây chỉ là một vùng dân cư thưa thớt, một vài ngôi làng của người Lạch tập trung ở chân núi. Đến tận năm 1902, khi dự án xây dựng một thành phố của Toàn quyền Paul Doumer dừng lại, cư dân Đà Lạt vẫn chỉ là những nhóm dân tộc thiểu số người Lạch, người Chil cùng một nhóm nhỏ người Việt di cư lên đây từ trước đó. Năm 1906, một lần nữa, nơi đây được chọn làm nơi nghỉ dưỡng dành cho công chức và binh sỹ Pháp, ngoài các cư dân bản địa, ở Đà Lạt bắt đầu có các công chức người Pháp, những du khách châu Âu, và người Việt cũng bắt đầu tới đây nhiều hơn trước. Giai đoạn sau Thế chiến thứ nhất là thời kỳ thành phố phát triển mạnh mẽ. Cơ sở hạ tầng cùng đường xá được xây dựng khiến dân cư từ nhiều nơi tới Đà Lạt định cư, du lịch và nghỉ dưỡng. Dân số Đà Lạt đã tăng lên đáng kể từ 1.500 người vào năm 1923 lên 11.500 người năm 1939. Những năm Thế chiến thứ hai, nhiều người Pháp không thể trở về nghỉ ở quê hương và Đà Lạt trở thành điểm đến của họ. Thành phố tiếp tục được mở rộng và dân số tăng lên nhanh chóng, từ 13.000 người năm 1940 lên 25.500 người vào năm 1944.

Những biến cố của cuộc chiến tranh Đông Dương ảnh hưởng mạnh mẽ tới dân số Đà Lạt. Thời kỳ này rất nhiều cư dân của thành phố lánh về Cầu Đất, Đơn Dương, Ninh Thuận, Bình Thuận hoặc trở về quê hương cũ. Vào năm 1946, dân số Đà Lạt chỉ còn khoảng 5.200 người, khiến người Pháp gọi nơi đây là “thành phố quạnh hiu”. Nhưng khoảng thời gian tiếp theo, khi Đà Lạt một lần nữa thuộc về người Pháp, các hoạt động kinh tế, xã hội dần ổn định trở lại. Vào cuối năm 1952, dân số thành phố đạt 25.041 người, trong đó có 1.217 người châu Âu, 752 người Hoa, 22.232 người Kinh và 840 nguời dân tộc bản địa. Cuối năm 1953, đầu năm 1954, cuộc chiến tranh Đông Dương bước vào giai đoạn khốc liệt nhất, Đà Lạt trở thành nơi dân cư các tỉnh lân cận tìm đến để tỵ nạn chiến tranh. Năm 1954, sau hiệp định Genève, thành phố đón nhận một lượng lớn những di dân từ miền Bắc cùng làn sóng người miền Trung đến lập nghiệp, khiến dân số Đà Lạt tăng vọt từ 25.000 người năm 1954 lên 58.958 người vào năm 1956. Dân số thành phố gia tăng điều hòa trong thập niên 1960, nhưng giảm sút trong thập niên 1970, khi chiến tranh Việt Nam bước vào giai đoạn căng thẳng. Khoảng thời gian đầu sau sự kiện 30 tháng 4 năm 1975, nhiều người phục vụ trong quân đội, chính quyền Việt Nam Cộng hòa trở về quê quán khiến dân số Đà Lạt giảm xuống, nhưng sau đó được bổ sung bởi các di dân mới từ miền Bắc và miền Trung. Cuối thế kỷ 20, địa giới hành chính Đà Lạt được mở rộng, dân số thành phố tăng lên mạnh mẽ và có sự gia tăng dân số cơ học đáng kể. Năm 2010, Đà Lạt có dân số 209.301 người, chiếm 17,4% dân số của tỉnh Lâm Đồng, mật độ 532 người/km².

Trong lịch sử, Đà Lạt từng là nơi sinh sống của nhiều nhóm dân cư có nguồn gốc đa dạng, từ người Kinh, người Cơ Ho đến những người Hoa, người Pháp. Ngày nay, phần lớn cư dân của thành phố là người Kinh, phần nhỏ còn lại gồm những người Hoa, người Cơ Ho và các dân tộc thiểu số khác như Tày, Nùng, Chăm... Theo số liệu năm 2010, Đà Lạt có 188.225 cư dân thành thị, tương đương 90%. Cấu trúc theo giới tính, thành phố có 99.581 cư dân nam và 109.720 cư dân nữ. Cũng như các đô thị khác, mật độ dân số của Đà Lạt không đồng đều, dân cư tập trung nhiều nhất ở các phường trung tâm như phường 1, phường 2, phường 6. Ở ngoại thành, cư dân sống chủ yếu bằng nông nghiệp, lâm nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, trong đó nông nghiệp chiếm một phần quan trọng. Khu vực ngoại thành của Đà Lạt rõ nét nhất là các xã Xuân Trường, Xuân Thọ và Tà Nung.

 

Kinh tế

 

Đà Lạt có một nền kinh tế thiên về các lĩnh vực du lịch, dịch vụ và nông nghiệp. Vào năm 2007, các ngành du lịch và dịch vụ chiếm đến 70% tổng sản phẩm nội địa của thành phố. Giá trị sản xuất công nghiệp theo giá thực tế của Đà Lạt năm 2010 đạt 1.095,828 tỷ đồng, chỉ bằng khoảng một phần ba nếu so với Bảo Lộc, thành phố thứ hai của Lâm Đồng. Trong lĩnh vực công nghiệp, thu hút nhiều lao động nhất là các ngành công nghiệp chế biến. Một số sản phẩm của Đà Lạt như rượu vang, trà Atisô hay mứt trái cây từ lâu đã được biết đến rộng rãi. Nhờ điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng thích hợp, Đà Lạt còn là vùng đất trồng nhiều chè và cà phê, cũng là hai sản phẩm quan trọng trong lĩnh vực công nghiệp chế biến của thành phố. Một nghề mới phát triển trong những năm cuối thế kỷ 20 tại Đà Lạt là nghề thêu, nổi bật hơn cả là những sản phẩm tranh thêu của Công ty XQ Đà Lạt. Trong thành phố, còn có thể thấy sự hiện diện của các công ty in ấn, may mặc, dệt, chế biến tinh dầu, sản xuất lâm sản... Năm 2007, thành phố Đà Lạt có tổng thu ngân sách nhà nước đạt trên 960 tỷ đồng và thu nhập bình quân đầu người khoảng 890 đô la Mỹ.

 

Du lịch

 

Ở Việt Nam, Đà Lạt từ lâu đã là một thành phố du lịch nổi tiếng. Khí hậu mát mẻ, tài nguyên thiên nhiên và nhân văn phong phú giúp thành phố mỗi năm thu hút hàng triệu du khách tới thăm viếng và nghỉ dưỡng. Sau một thời gian trầm lắng của thập niên 1980, du lịch Đà Lạt thay đổi mạnh mẽ trong những năm gần đây. Vào thời điểm năm 2001, thành phố có 369 khách sạn gồm 4.334 phòng với sức chứa 15.821 khách, đến năm 2009 số cơ sở lưu trú tại Đà Lạt đã lên đến 673 cơ sở với hơn 11 ngàn phòng và sức chứa trên 38 ngàn khách. Tuy vậy, phần lớn các cơ sở lưu trú của thành phố có quy mô trung bình hoặc nhỏ, mang tính cá nhân, gia đình và thiếu chuyên nghiệp. Trong 673 cơ sở, chỉ 85 khách sạn đạt tiêu chuẩn 1 đến 5 sao và 11 khách sạn từ 3 đến 5 sao. Các khách sạn lớn tập trung chủ yếu ở khu vực phường 1 và phường 2, một số ít nằm rải rác ở các phường lân cận. Hiệu suất thuê phòng của các khách sạn tại Đà Lạt khoảng 30 đến 35% và phân bố không đều trong năm, tập trung vào các ngày lễ và kỳ nghỉ hè.

So với các đô thị khác của Việt Nam, Đà Lạt là thành phố được thiên nhiên dành cho nhiều ưu ái. Những thắng cảnh của thành phố, nằm rải rác ở cả khu vực trung tâm lẫn vùng ngoại ô, như hồ Xuân Hương, đồi Cù, thung lũng Tình Yêu, hồ Than Thở, thác Prenn... từ lâu đã trở nên nổi tiếng. Tuy vậy, không ít danh thắng và di tích của Đà Lạt hiện nay rơi vào tình trạng hoang tàn và đổ nát. Thác Cam Ly, dòng thác từng đi vào thi ca lãng mạn, không còn vẻ đẹp vốn có mà tràn ngập rác thải và bốc mùi hôi thối nồng nặc do nguồn nước bị ô nhiễm. Các địa điểm như thung lũng Tình Yêu, hồ Than Thở hay thác Prenn đã mất đi nét hoang sơ bởi sự xuất hiện của quá nhiều hàng quán, khu trò chơi và cây cảnh. Thác Voi, một thắng cảnh khác không xa Đà Lạt, cũng bị ô nhiễm nặng do những người dân sinh sống ở vùng thượng nguồn thường xả rác và chất bẩn xuống dòng suối. Vào năm 2008, Sở Văn hóa Thông tin tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch rút tên hai thác Liên Khương và Gougah khỏi danh sách di tích quốc gia bởi cảnh quan hai danh thắng này đã bị thay đổi.

Lịch sử đã để lại cho Đà Lạt không ít những công trình kiến trúc giá trị, như những công sở, trường học, nhà thờ, tu viện, chùa chiền, công trình công cộng... cùng hàng ngàn biệt thự xinh đẹp hiện diện khắp thành phố. Qua thời gian, những dinh thự, biệt điện xưa kia từng thuộc về các nhân vật quyền lực ngày nay được mở cửa đón khách viếng thăm. Ba dinh thự nổi tiếng của Đà Lạt trước đây đều là địa điểm du lịch, nhưng hiện nay chỉ Dinh III còn giữ chức năng này và tiếp tục thu hút du khách. Dinh II, hay còn gọi Dinh Toàn quyền, được dùng làm khách sạn, nơi hội thảo của chính quyền địa phương, còn Dinh I đã đóng cửa vài năm gần đây để sửa chữa. Một dinh thự khác của Đà Lạt, biệt điện Trần Lệ Xuân cũng trở thành điểm du lịch ngay từ năm 1964, ngày nay là Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV, nơi lưu giữ Mộc bản triều Nguyễn. Bên cạnh những di sản kiến trúc Pháp, một vài công trình xây dựng những thập niên gần đây như thiền viện Trúc Lâm, biệt thự Hằng Nga hay XQ Sử quán cũng đã trở thành địa điểm du lịch hấp dẫn. Nhưng giống như các thắng cảnh, một vài công trình kiến trúc của Đà Lạt cũng đang bị bỏ quên hoặc xâm hại. Khuôn viên nhà ga Đà Lạt, một trong những biểu tượng nổi tiếng của thành phố, trở thành bãi tập kết gốm sứ, cây cảnh và vườn rau bắp cải của người dân. Quần thể di tích kiến trúc Trường Cao đẳng Sư phạm không chỉ xuống cấp mà còn bị “chung cư hóa” bởi sự sinh hoạt của hơn 30 gia đình dân cư. Khu lăng mộ Nguyễn Hữu Hào từng bị bỏ hoang nhiều năm và trở thành địa điểm của những người nghiện ma túy và hoạt động mại dâm.

Với tuổi đời chỉ hơn một thế kỷ, Đà Lạt không có những lễ hội truyền thống lâu đời. Tuy vậy, từ năm 2005, thành phố bắt đầu tổ chức Festival Hoa Đà Lạt, một lễ hội với nhiều sự kiện cùng các hoạt động nghệ thuật nhằm giới thiệu các loài hoa địa phương cũng như từ những vùng miền khác. Năm 2007, dù chưa thực sự được tổ chức tốt, Festival Hoa Đà Lạt lần thứ hai đã thu hút khoảng 120 ngàn du khách tới thăm. Festival Hoa Đà Lạt 2010 là sự kiện đầu tiên trong chuỗi bảy sự kiện quốc gia mừng đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Trong dịp này, đã có gần 300 ngàn du khách đến với Đà Lạt trong suốt 4 ngày của lễ hội. Năm 2012, Festival Hoa được tổ chức vào dịp nghỉ lễ Tết Dương lịch và đã thu hút hơn 300 ngàn du khách tới tham dự. Trong những năm gần đây, số lượng khách du lịch tới Đà Lạt vẫn tiếp tục tăng. Vào năm 2000, thành phố đón 710 ngàn lượt khách tới thăm, đến năm 2009, con số đã tăng gấp ba với trên 2,1 triệu lượt khách, trong đó khoảng 10% là du khách quốc tế. Mặc dù vậy, thời gian trung bình khách lưu lại Đà Lạt chỉ 2 ngày, trong khi tỷ lệ của Bình Thuận là 3,8 đến 4 ngày. Du lịch Đà Lạt phải đối mặt với sự cạnh tranh mạnh mẽ của Nha Trang và Phan Thiết, hai thành phố du lịch duyên hải không xa Đà Lạt.

 

Kiến trúc

 

Đà Lạt là đô thị duy nhất ở Việt Nam được quy hoạch bài bản ngay từ khi hình thành. Vào năm 1906, khi nơi đây vẫn còn là một địa điểm hoang vắng, thị trưởng đầu tiên của Đà Lạt Paul Champoudry đã thiết lập một đồ án tổng quát kèm theo Dự án chỉnh trang và phân lô cho thành phố tương lai, áp dụng phương pháp quy hoạch phân khu chức năng rất hiện đại thời kỳ đó. Năm 1921, thời điểm công cuộc kiến thiết thành phố bước vào giai đoạn mạnh mẽ nhất, kiến trúc sư nổi tiếng Ernest Hébrard nhận nhiệm vụ xây dựng đồ án quy hoạch với định hướng Đà Lạt có thể trở thành thủ đô của Liên bang Đông Dương trong tương lai. Đặc biệt quan tâm tới vấn đề bảo vệ cảnh quan và bố cục không gian thẩm mỹ của thành phố, Ernest Hébrard đã sử dụng dòng suối Cam Ly như trục cảnh quan trung tâm, kết hợp cùng hệ thống các hồ nước nhân tạo. Bố cục chính của thành phố được tổ chức dựa trên trục cảnh quan này và mỗi hồ nước là một trung tâm cảnh quan của các công trình trong một phân khu chức năng. Sau hơn 10 năm áp dụng đồ án Hébrard, đến năm 1933, kiến trúc sư Louis Georges Pineau đưa ra nghiên cứu “Chỉnh trang thành phố Đà Lạt” với những quan niệm thực tế hơn. Louis Georges Pineau kế thừa ý tưởng của Ernest Hébrard, đề nghị mở rộng hơn nữa các hồ nước và công viên, bố trí các khu vực xây dựng phù hợp với cảnh trí, khí hậu địa phương, và thiết lập một vùng bất kiến tạo rộng lớn để bảo vệ tầm nhìn về hướng núi Lang Biang. Năm 1940, trong “Tiền dự án chỉnh trang và phát triển Đà Lạt”, kiến trúc sư Mondet đề ra phương án không kéo dài thành phố, mà tổ chức hợp nhóm lại và mở rộng bằng cách ưu tiên sử dụng những lô đất gần trung tâm. Đồ án của Mondet tuy không được áp dụng nhưng đã được kiến trúc sư Jacques Lagisquet kế thừa trong “Chương trình chỉnh trang và phát triển Đà Lạt” năm 1943. Vẫn giữ ý tưởng của Ernest Hébrard về một “thành phố phong cảnh”, nhưng Jacques Lagisquet quy hoạch xây dựng những khu trung tâm hành chính, thương mại, khu vực khách sạn, bệnh viện, trường học... để tạo nên một Đà Lạt nhiều sức sống và những trung tâm hoạt động hấp dẫn thu hút dân chúng. Tuy có những quan điểm khác biệt, nhưng các đồ án quy hoạch của Hébrard, Pineau, Mondet và Lagisquet mang tính kế thừa lẫn nhau và chung một ý tưởng xuyên suốt: Đà Lạt là một thành phố du dịch với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp.

Thành phố Đà Lạt được ví như một bảo tàng kiến trúc phương Tây đầu thế kỷ 20 với nhiều công trình nổi tiếng và những biệt thự xinh đẹp. Các công trình kiến trúc tiêu biểu nơi đây đều chọn lựa bố cục tổng thể theo hình khối nằm ngang ổn định, gắn kết chặt chẽ với địa hình và hòa hợp với thiên nhiên. Những công trình xây dựng dưới thời thuộc địa đều có cơ sở thiết kế phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương và điều kiện sinh hoạt của cư dân. Trải qua một thời gian dài xây dựng thành phố, phong cách kiến trúc đã có nhiều thay đổi, từ phong cách kiến trúc thuộc địa tiền kỳ đơn giản với những cửa cuốn vòm và hành lang bao quanh, tới phong cách Tân cổ điển với những trang trí phong phú, đến phong cách kiến trúc địa phương Pháp của những ngôi biệt thự, và phong cách kiến trúc Hiện đại với nhiều hình khối, bố cục phi đối xứng ở các dinh thự. Tuy Đà Lạt mang đậm dấu ấn của những kiến trúc sư người Pháp, nhưng các nhà kiến trúc này khi thiết kế những công trình cho Đà Lạt cũng đã chịu ảnh hưởng của đặc điểm thiên nhiên, đặc biệt là các điều kiện về khí hậu thời tiết, cảnh quan môi trường nơi đây. Hiện tượng giao thao này đã đem lại cho Đà Lạt một phong cách kiến trúc riêng độc đáo và nhiều bản sắc. Tuy vậy, sau nhiều thập niên phát triển thiếu quy hoạch và buông lỏng quản lý, kiến trúc đặc sắc của Đà Lạt đã chịu nhiều biến dạng. Tình trạng xây cất trái phép, không phù hợp với quy hoạch, lấn chiếm những khu vực trống, tàn phá rừng nội ô... khiến bộ mặt kiến trúc đô thị của Ðà Lạt ngày nay trở nên nhem nhuốc. Không ít công trình kiến trúc giá trị không được bảo tồn tốt phải hứng chịu sự tàn phá của thời gian. Trong khắp thành phố, nhiều ngôi biệt thự cổ bị bỏ hoang hoặc biến thành chung cư, nhà trọ. Năm 2010, chính quyền tỉnh Lâm Ðồng thông báo quyết định mời một nhóm kiến trúc sư thuộc Viện Thiết kế quy hoạch đô thị Paris và một công ty thiết kế quy hoạch khác của Pháp thực hiện quy hoạch lại Ðà Lạt.

 

Đà Lạt với nghệ thuật

 

Thành phố Đà Lạt thơ mộng là nguồn cảm hứng cho rất nhiều tác phẩm nghệ thuật, đặc biệt trong các lĩnh vực âm nhạc, nhiếp ảnh và văn chương. Những tác phẩm đầu tiên viết về Đà Lạt chủ yếu là nhật ký và ghi chép của các nhà thám hiểm như bác sỹ Paul Néis, trung úy Albert Septans, bác sỹ Alexandre Yersin... tất cả đều được viết bằng tiếng Pháp. Tác phẩm về Đà Lạt đầu tiên của người Việt có lẽ là Lâm Viên hành trình nhật ký của Đoàn Đình Duyệt, Thượng thư Bộ công của triều đình Huế, người lên Đà Lạt năm 1917 để nghiên cứu việc xây dựng hành cung. Khi nơi đây dần trở thành một thành phố, trên báo chí bắt đầu xuất hiện những bài viết, phóng sự về Đà Lạt. Trong lĩnh vực thi ca, ghi lại dấu ấn trong giai đoạn đầu này là hai bài thơ Đà Lạt trăng mờ của Hàn Mặc Tử và Đà Lạt đêm sương của Quách Tấn. Khoảng thời gian 1954 đến 1975, khi Đà Lạt là một trong những trung tâm tri thức của miền Nam Việt Nam, các tác phẩm với bối cảnh thành phố cũng ra đời nhiều hơn, như truyện dài Hoa bươm bướm của Võ Hồng, Vòng tay học trò của Nguyễn Thị Hoàng, Con đường của Nguyễn Đình Toàn, các tiểu thuyết Tóc Mây và Thung lũng tình yêu của Lệ Hằng hay tập truyện ngắn Bay đi những cơn mưa phùn của Phạm Công Thiện. Đà Lạt cũng là nơi các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng đương thời như Nhất Linh, Vũ Hoàng Chương, Bùi Giáng... thường ghé qua.

Quán Café Tùng ở trung tâm thành phố, nơi Khánh Ly và Trịnh Công Sơn lần đầu gặp gỡ vào năm 1964.

Với âm nhạc, trong rất nhiều các tác phẩm viết về Đà Lạt, có thể kể đến những ca khúc nổi tiếng như "Thành phố buồn" của Lam Phương, "Thương về miền đất lạnh" và "Đà Lạt hoàng hôn" của Minh Kỳ, "Còn nắng trên đồi" của Lê Uyên Phương, hay "Ai lên xứ hoa đào" và "Bài thơ hoa đào" của Hoàng Nguyên. Đà Lạt cũng là thành phố gắn bó với nhiều nhạc sỹ, nghệ sỹ tên tuổi của tân nhạc Việt Nam. Trong những năm đầu sự nghiệp, nữ danh ca Khánh Ly sống tại Đà Lạt và hát cho các phòng trà nơi đây. Năm 1964, Khánh Ly gặp nhạc sỹ Trịnh Công Sơn trong quán Café Tùng và cuộc hội ngộ này đã tạo nên một cặp đôi nổi tiếng của âm nhạc Việt Nam. Trước khi chuyển về Sài Gòn, quán Café Tùng – ngày nay vẫn nằm trong trung tâm thành phố – thường là nơi lui tới của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn và ca sỹ Khánh Ly. Một cặp đôi nổi tiếng khác cũng gặp gỡ tại Đà Lạt và từng gắn bó với thành phố này là nhạc sỹ Lê Uyên Phương và ca sỹ Lê Uyên.

Phong cảnh và con người Đà Lạt, Lâm Đồng đã trở thành đề tài khai thác của rất nhiều nhiếp ảnh gia Việt Nam. Những năm gần đây, không ít những triển lãm với đề tài Đà Lạt đã được tổ chức tại chính thành phố hoặc ở những đô thị khác. Triển lãm ảnh "Đà Lạt xưa" với sự tham gia của các nhiếp ảnh gia danh tiếng của Việt Nam và nước ngoài được tạp chí Xưa & Nay tổ chức tại khách sạn Sammy Đà Lạt năm 2008. Năm 2010, triển lãm ảnh "Đà Lạt - Cadasa" tại Công trường Lam Sơn, Thành phố Hồ Chí Minh, đã trưng bày tác phẩm của những nữ nghệ sĩ nhiếp ảnh về các biệt thự cổ vừa được trùng tu trên đường Trần Hưng Đạo, phản ảnh sự hồi sinh của quần thể biệt thự cổ và ý thức về trách nhiệm giữ gìn di sản kiến trúc, văn hóa và lịch sử. Năm 2010, những bức ảnh về Đà Lạt được đưa đến tham dự triển lãm tại thành phố Nam Ninh, Trung Quốc nhằm mang hình ảnh của "Đà Lạt - thành phố hoa" đến với ASEAN. Đây là hội chợ triển lãm những thành phố đẹp thuộc các nước ASEAN diễn ra hàng năm tại Trung Quốc và Đà Lạt là thành phố Việt Nam được chọn triển lãm nhằm giới thiệu, trưng bày, quảng bá những hình ảnh địa phương tới du khách. Vào năm 2000, tại Liên hoan ảnh nghệ thuật quốc tế Hassemblad Austrian Super Circuit ở Áo, câu lạc bộ Nhiếp ảnh Đà Lạt đã được ban tổ chức tặng Cúp vàng và bình chọn là câu lạc bộ có bộ ảnh dự thi đẹp nhất trong số 41 ngàn bức ảnh từ hơn 120 nước trên thế giới.

Trong lĩnh vực nghệ thuật thứ bảy, Đà Lạt là nơi lý tưởng mà nhiều đạo diễn truyền hình và điện ảnh trong nước chọn làm địa điểm quay phim. Thành phố thu hút các nhà làm phim nhờ giá sinh hoạt tương đối thấp và dễ dàng tìm được bối cảnh cho những cảnh quay đẹp. Một lý do khác, khí hậu mát mẻ, dễ chịu của Đà Lạt cũng tạo nhiều thuận lợi trong việc làm phim. Với những lợi thế để trở thành một phim trường thực sự, bao gồm phong cảnh thiên nhiên ưu đãi và những thắng cảnh, không gian những tòa kiến trúc, biệt thự, Đà Lạt từng có dự án đầu tư một phim trường và khu công viên nghệ sỹ tại Khu du lịch hồ Tuyền Lâm, tuy vậy đến thời điểm 2011, dự án này vẫn chưa được triển khai. Trong lịch sử điện ảnh Việt Nam, có thể thấy không ít những bộ phim lấy bối cảnh Đà Lạt, trong số đó có thể kể đến như Con ma nhà họ Hứa (1973), Giỡn mặt tử thần (1975), Tình nhỏ làm sao quên (1993), Khi yêu đừng quay đầu lại (2010)...

Danh sách khách sạn

KHÁCH SẠN KIM XUYẾN SẦM SƠN

News image

 Khách sạn Sầm Sơn – Kim Xuyến được xây dựng hoàn toàn mới và được đưa vào sử dụng phục vụ quý khách du lịch từ tháng 4 ...

Xem tiếp

KHÁCH SẠN HUY HOÀNG SẦM SƠN

News image

Địa chỉ: Số 16 Đường Tống Duy Tân, Bãi Tắm C, P.Bắc Sơn – Sầm Sơn  Khách sạn Huy Hoàng cách biển 30 m bao gồm 5 tầng với tổng số 30...

Xem tiếp

Vanchai Resort - Sầm Sơn Thanh Hóa

News image

  Thư ngỏ Chào mừng Quý khách đến với Vạn Chài Resort, một thiên đường thanh bình nằm trên bãi biển Sầm Sơn. Vạn Chài Resort mang nét ...

Xem tiếp
Địa danh du lịch

Nghệ An

Quảng Ninh

Gia Lai

Phan Thiết

Bình Định

Hà Tỉnh

Vĩnh Phúc

Đồng Tháp

Quảng Ngãi

Bình Dương

Đồng Nai

Bạc Liêu

Nha Trang

Hải Phòng

An Giang

Thừa Thiên Huế

Bình Phước

Phú Yên

Cà Mau

Sóc Trăng

Thanh Hóa

Quảng Bình

Ninh Bình

Điện Biên

Móng Cái

Quảng Nam

Bắc Giang

Đà Nẵng

Bắc Ninh

Lào Cai

Hà Giang

Ninh Thuận

Bình Thuận

Khánh Hòa

Vĩnh Long

Tây Nguyên

Vĩnh Long

Nam Định

Lâm Đồng

Hải Nam

Hưng Yên

Hải Dương