video

Hỗ trợ trực tuyến


 ĐIỀU HÀNH TOUR

KIM DUNG

0976955076



Dịch vụ khác

CÔNG TY DU LỊCH HÀM RỒNG -: 0976 955076

Chương trình kích cầu du lịch 2016

Để đáp ứng nhu cầu của du khách, HamRongTour phối hợp cùng các nhà cung cấp dịch vụ thực hiện chương trình “kích cầu nội địa”, giảm giá tour nội địa nhằm đưa du khách đến nhiều danh thắng trong nước và Quốc tế.

Tin tức Hamrongtour

Quảng Ninh

QUẢNG NINH

Diện tích: 6.099 km²
Dân số: 1.091,3 nghìn người (năm 2006)
Tỉnh lỵ: Thành phố Hạ Long.
Các huyện, thị:
- Thị xã: Cẩm Phả, Móng Cái, Uông Bí.
- Huyện: Ba Chẽ, Bình Liêu, Hải Hà, Đầm Hà, Tiên Yên, Vân Ðồn, Hoành Bồ, Ðông Triều, Cô Tô, Yên Hưng.
Dân tộc: Việt (Kinh), Tày, Dao, Sán Chay, Sán Dìu, Hoa.

Điều kiện tự nhiên

Quảng Ninh là một tỉnh ở địa đầu Ðông Bắc Việt Nam, nằm giữa các kinh độ đông 106º26’-108º31’3’’ và các vĩ độ bắc 20º40’-21º40’, khoảng dài nhất từ đông sang tây là 195km, từ bắc xuống nam là 102km.
Phía bắc giáp Quảng Tây (Trung Quốc) với đường biên giới dài 132,8km và tỉnh Lạng Sơn. Phía tây giáp Bắc Giang, Hải Dương, phía nam giáp Hải Phòng. Phía đông nam giáp biển Ðông với 250km bờ biển. 
Là một tỉnh miền núi duyên hải, Quảng Ninh có 80% diện tích đất đai là đồi núi. Hơn 2.000 hòn đảo nổi trên mặt biển phần lớn đều là núi, với tổng diện tích là 620km². 
Ðịa hình được chia ra thành các vùng đồi núi, vùng trung du đồng bằng và vùng biển đảo. Vùng núi miền đông gồm hai dãy núi chính là Quảng Nam Châu và Cao Xiêm có độ cao trên dưới 1.400m. Miền tây là những dãy núi thuộc cánh cung Ðông Triều với hai đỉnh Yên Tử và Am Váp cao trên 1.000m. Vùng trung du và đồng bằng ven biển: gồm những dải đồi thấp và những cánh đồng ven các triền sông và bờ biển, trong đó đồng bằng Yên Hưng và Ðông Triều là mầu mỡ nhất và là những vựa lúa chính của tỉnh.

Khí hậu Quảng Ninh tiêu biểu cho khí hậu các tỉnh miền Bắc Việt Nam. Một năm có 4 mùa xuân, hạ, thu, đông. Ðây là vùng biển nhiệt đới gió mùa. Mùa hạ nóng, ẩm, mưa nhiều, gió thịnh hành là gió nam. Mùa đông lạnh, khô hanh, ít mưa, gió đông bắc. Nhiệt độ trung bình hàng năm khoảng 21ºC. Ðộ ẩm trung bình hàng năm là 84%. Lượng mưa hàng năm lên đến 1.700 - 2.400mm, số ngày mưa trung bình là 90-170.
Tiềm năng phát triển du lịch

Ðịa hình đáy biển Quảng Ninh không bằng phẳng, độ sâu trung bình là 20m, có những lạch sâu là di tích các dòng chảy cổ và có những dải đá ngầm làm nơi sinh trưởng các rạn san hô rất phong phú đa dạng. Ðặc biệt vùng biển Quảng Ninh có Vịnh Hạ Long, di sản thiên nhiên thế giới với hàng ngàn đảo đá nguyên là vùng địa hình karts bị nước bào mòn tạo nên cảnh đẹp độc đáo, kỳ vĩ độc nhất vô nhị trên thế giới. Vùng ven biển và hải đảo Quảng Ninh ngoài những bãi bồi phù sa còn có những bãi cát trắng, bãi biển tuyệt đẹp,như Trà Cổ, Quan Lạn, Minh Châu, Ngọc Vừng…

Tỉnh Quảng Ninh có gần 500 di tích lịch sử, văn hoá, nghệ thuật... gắn với nhiều lễ hội truyền thống, trong đó có những di tích nổi tiếng của quốc gia như chùa Yên Tử, đền Cửa Ông, di tích lịch sử Bạch Đằng, chùa Long Tiên, đình Quan Lạn... đây là những điểm thu hút khách thập phương đến với các loại hình du lịch văn hoá, tôn giáo, nhất là vào những dịp lễ hội.
Đến Quảng Ninh, du khách còn có cơ hội để thưởng thức các món ăn được chế biến từ các loài hải sản của biển Quảng Ninh, trong đó có những đặc sản giá trị như hải sâm, bào ngư, tôm, cua, sò, ngán, hầu hà, sá sùng, rau câu...
Dân tộc, tôn giáo

Về dân tộc, Quảng Ninh có 21 thành phần dân tộc, song chỉ có 6 dân tộc có số dân trên một nghìn người là Kinh, Dao, Tày, Sán Dìu, Sán Chỉ, Hoa, tiếp đến là hai dân tộc có trên trăm người là Nùng và Mường, mười bốn dân tộc còn lại có số dân dưới 100 người. Trong các dân tộc đông người, người Việt (Kinh) chiếm 89% tổng số dân. Trong số các dân tộc thiểu số có nguồn gốc lâu đời, người Dao có hai nhóm chính là Thanh Y, Thanh Phán, thường cư trú ở vùng núi cao. Họ còn giữ được bản sắc dân tộc trong ngôn ngữ, y phục, lễ hội và phong tục tập quán truyền thống. Người Tày, người Sán Dìu, Sán Chỉ ở vùng núi thấp và chủ yếu sống bằng nông nghiệp với nghề thủ công ở các thị trấn miền đông, một số khác sống ở nông thôn, sản xuất nông nghiệp, đánh cá, làm nghề rừng.
Cũng như các địa phương khác, cư dân sống ở Quảng Ninh cũng có những tôn giáo, tín ngưỡng để tôn thờ là Phật giáo, Thiên Chúa giáo, thờ cúng tổ tiên và một vài tín ngưỡng dân gian khác. Ðạo Phật du nhập vào Quảng Ninh từ rất sớm, từ hàng ngàn năm trước đây và phần lớn dân chúng ở Quảng Ninh hiện nay theo đạo Phật. Thế kỷ 14, khu Yên Tử và Quỳnh Lâm (Ðông Triều) là trung tâm Phật giáo của Việt Nam. Nhiều thế kỷ sau đó đạo Phật tiếp tục được duy trì với hàng trăm ngôi chùa ở Quảng Ninh, trong đó có những ngôi chùa nổi tiếng như chùa Lôi Âm (Hoành Bồ), Linh Khánh (Trà Cổ), Hồ Thiên (Ðông Triều), Linh Quang (Quan Lạn)… Trải qua nhiều biến cố của lịch sử, sự tàn phá của thiên nhiên và cả của con người, hiện nay ở Quảng Ninh chỉ còn lại trên 30 ngôi chùa nằm rải rác ở 8 huyện thị, thành phố.

Ðạo Thiên Chúa vào Quảng Ninh từ cuối thế kỷ 17, hiện nay có 27 nhà thờ của 9 sứ gồm 41 họ đạo nằm ở 8 huyện và thị xã của tỉnh. Ðạo Cao Ðài có ở huyện Yên Hưng và thị xã Cẩm Phả từ những năm 1940, sau tàn lụi dần, hiện nay chỉ còn vài chục người theo.
Về tín ngưỡng dân gian phổ biến nhất đối với cư dân sống ở Quảng Ninh là thờ cúng tổ tiên, thờ các vị tướng lĩnh nhà Trần có công với nước, các vị thành hoàng, các vị thần (Sơn thần, Thổ thần, Thuỷ thần) và thờ các Mẫu (Mẫu Liễu Hạnh, Mẫu Thượng Ngàn, Mẫu Thoải).
Giao thông
Đường bộ: Tuyến Hà Nội – Bắc Ninh – Hạ Long dài 155km, là tuyến đường bộ thuận lợi nhất và ngắn nhất, không phải qua phà.
Đường không: Thứ bảy hàng tuần có máy bay trực thăng xuất phát từ sân bay Gia Lâm (Hà Nội) đến thẳng vịnh Hạ Long.
Đường thủy: Hàng ngày có 4 chuyến tàu thủy Hải Phòng - Hạ Long và ngược lại.

Nguồn: Tổng cục du lịch Việt Nam

ĐẢO CỐNG ĐỎ

Vị trí: Nằm ở phía đông nam vịnh Hạ Long, cách cảng tàu du lịch Bãi Cháy 25km, thuộc vịnh Bái Tử Long, trong khu vực Di sản thiên nhiên thế giới.
Đặc điểm: Đây là một trong những hòn đảo đẹp có nhiều trũng biển quanh co uốn khúc, tạo nên những hồ tự nhiên kỳ thú, là nơi sinh sống của nhiều loài sinh vật biển.

Đảo Cống Đỏ có diện tích 23.363km2 với đỉnh núi cao 172m. Đây là một trong những hòn đảo đẹp có nhiều trũng biển quanh co uốn khúc, tạo nên những hồ tự nhiên kỳ thú, là nơi sinh sống của nhiều loài sinh vật biển như tôm, cua, cá, mực, rong, tảo... Biển phía tây nam của đảo có rạn san hô rộng lớn với muôn ngàn sắc màuHệ sinh thái rạn san hô ở đây dài tới hơn 700m, chiều ngang tới 300m với nhiều loài san hô quý hiếm như san hô đỏ, san hô sừng... Rạn san hô nơi đây được bảo tồn hầu như nguyên vẹn, có các loài cá cảnh, cá ngựa... cùng sinh sống quần tụ. Trong tương lai nơi đây sẽ phát triển thành khu du lịch sinh thái ngầm.
Phía đông nam đảo còn lưu dấu vết của di tích thương cảng cổ Vân Đồn xưa, tuy mờ nhạt nhưng điều đó khẳng định đảo Cống Đỏ xưa kia giữ vị trí quan trọng trong thương mại, buôn bán với nước ngoài.

Nguồn: Tổng cục du lịch Việt Nam

 

HANG TRỐNG VÀ HANG TRINH NỮ

Vị trí: Nằm ở trên hai cánh của một vòng cung núi nhỏ phía đông dãy đảo Bồ Hòn, cách hang Sửng Sốt hơn 3km theo đường biển về phía đông nam.
Đặc điểm: Hang có nhiều nhũ đá và cảnh đẹp gắn liền với một câu chuyện tình cảm động của đôi trai gái dám hi sinh tính mạng để bảo vệ tình yêu.

Hai hang cách nhau 700-800m qua một vụng biển nhỏ. Các cửa hang quay về hướng khác nhau. Đứng từ hang này mà hét to thì ở hang kia có thể nghe thấy.

Hai hang này chẳng những có rất nhiều nhũ đá và cảnh đẹp, mà còn hấp dẫn du khách vì một sự tích rất cảm động. Ở một hang có một tảng đá nằm ngang trông như một cô gái nằm xoã tóc vươn tay ra biển vì vậy được gọi là hang Trinh Nữ. Chiếc hang kia có một cột nhũ đá rất cao trông như một chàng trai khổng lồ đứng nhìn ra khơi xa. Dân chài nói là vào các ngày mưa to gió lớn, đi qua đây nghe tiếng gió đập vào vách núi bập bùng như tiếng trống và họ gọi hang này là hang Trống. 
Dân gian kể rằng hai khối đá này là một cô trinh nữ và một chàng dân chài đã bị hoá thành đá trong lúc họ đi tìm nhau. Chàng trai nghèo quyết chí ra khơi xa đánh cá để có tiền cưới vợ. Ở nhà bị bố mẹ ép gả cho người khác, cô gái đã bơi thuyền trốn ra biển để tìm người yêu. Trong dông bão, họ đã đến được hai chiếc hang gần nhau và nghe được tiếng gọi, tiếng trống của nhau nhưng rồi sau mấy ngày họ vẫn không tìm được nhau và phải chết trong tuyệt vọng giữa cái mê hồn trận của biển cả và núi đảo trên vịnh.

Nguồn: Tổng cục du lịch Việt Nam

 

HÒN ÐẦU NGƯỜI

Vị trí: Hòn Đầu Người nằm ở phía bắc dãy đảo Bồ Hòn, thuộc vịnh Hạ Long.
Ðặc điểm: Trông giống một chiếc đầu người, cao gần 25m.

Hòn đảo này từ rất xa đã có thể nhìn thấy, nó giống như một đầu người Hy Lạp với chiếc mũi to gồ nhô ra, cằm tỳ trên mặt nước, cao đến 25m. Nhiều người lại thấy đảo này giống tượng Nhân Sư Ai Cập hơn. Trên đỉnh đầu có ít cây xanh như bờm tóc bay trong gió. Hòn Đầu Người cách hang Luồn và đảo Ti Tốp khoảng 1km, cách hang Sửng Sốt hơn 2km, nhưng từ các nơi này không thể nhìn thấy vì bị ngăn cách bởi các hòn núi khác.

Nguồn: Tổng cục du lịch Việt Nam

 

HANG THIÊN LONG

Vị trí: Nằm trên cùng một dải núi, cách hang Đầu Gỗ 1km về phía đông, thuộc vịnh Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.
Đặc điểm: Đây là hang mới được phát hiện vào tháng 7 1994. Lòng hang phức tạp nhiều tầng bậc, khe hốc.

Trong hang có nhiều dấu vết chứng tỏ trước kia đã có người vào khai thác phân dơi hoặc ẩn náu ở đây. Hiện nay các công việc sửa sang, tham quan du lịch tạm thời bị đình chỉ vì trong hang còn rất nhiều dấu vết cư trú của người tiền sử. Các nghiên cứu cho thấy họ là các cư dân của nền văn hoá Hạ Long giai đoạn sớm.
Hang rộng 4.500m2, nằm ở độ cao 25-28m so với mực nước biển, cửa hang quay về phía tây bắc, lòng hang có cấu trúc phức tạp, nhiều tầng bậc, nhiều hốc khe.

Nguồn: Tổng cục du lịch Việt Nam

 

ĐỘNG KIM QUY

Vị trí: Động nằm trên hòn Dầm Nam, phía sau là hòn Soi Sim, thuộc vịnh Hạ Long, Quảng Ninh.
Đặc điểm: Trong ngăn động sâu nhất có bãi măng đá tự nhiên như trận địa cọc Bạch Đằng và động còn gắn liền với truyền thuyết Rùa Vàng giúp Lê Lợi xưa.

Động dài 100m, rộng từ 5 - 10m trải dài theo hướng Bắc Nam. Một con đường nhỏ dẫn lên phía trên cao, nơi đây bốn mùa nước chảy róc rách, những nhũ đá đang được hình thành trắng nõn và mềm mại từ trần động buông rủ xuống. Và kìa, phía ngăn động trong cùng, trận địa cọc Bạch Đằng xuất hiện, có đến hơn 30 chiếc cọc gỗ lim của Trần Hưng Đạo đã dùng cắm xuống dòng sông Bạch Đằng lại hiện hữu ở nơi đây, những thớ gỗ lim nứt nẻ màu nâu xám tưởng chừng như sắp đổ gẫy, nhưng kỳ thực chúng vô cùng vững chắc. Đó là những măng đá đấy, chúng được phân bố khắp nơi, dày đặc chi chít nhưng có hàng lối rõ ràng, chúng nhẵn bóng và cao chừng 30 - 40cm, trông hệt như bãi cọc bằng gỗ thật.
Động gắn liền với truyền thuyết về Rùa Vàng xưa. Chuyện kể rằng sau khi Rùa Vàng giúp vua Lê Lợi đánh tan quân giặc, Rùa Vàng lấy lại gươm và bơi về bể đông, khi đến Hạ Long này có nhiều yêu quái quấy nhiễu, Rùa Vàng xin với vua Thuỷ Tề ở Hạ Long diệt trừ yêu quái. Sau khi diệt xong yêu quái, Rùa Vàng cũng vì đó mà kiệt sức, đã tìm cho mình một động rồi hoá đá trong đó.
Ngày nay trong động Kim Quy, Rùa Vàng vẫn còn đó trong tư thế đang lim dim ngủ, với những vết thương cũ trên mình.

Nguồn: Tổng cục du lịch Việt Nam

 

ĐỘNG MÊ CUNG

Vị trí: Nằm trên một núi đảo cách hang Sửng Sốt và Bồ Nâu khoảng 2km, thuộc vịnh Hạ Long.
Đặc điểm: Hang được mệnh danh là "Biệt thự hoang dã" và từ cửa hang nhìn xuống là một hồ nước bao quanh bởi núi và một "vườn thượng uyển" với nhiều cây cổ thụ.

Miệng hang cách mặt biển 20-25m. Cấu trúc cửa hang rất phức tạp, có rất nhiều khoang, vách ngăn thông với nhau bởi các khe hẹp, chỉ đủ cho một người đi. Ngay trên cửa động có một bãi phẳng khá rộng với vòm mái động cũng khá rộng, phẳng và đua ra phía trước trông như một tiền sảnh. Các khoang bên trong với các lối đi ngoắt ngoéo dài gần 100m làm ta có cảm giác sống trong một biệt thự lớn dưới lòng đất.
Ngay trước cửa hang có các vỏ ốc suối do người tiền sử mang về làm thực phẩm tích thành các lớp dày đến 2-3m. Ở lối ra nhìn từ cửa hang xuống bên dưới là một hồ nước bị núi vây kín, rất đẹp.

Nguồn: Tổng cục du lịch Việt Nam

 

ÐỘNG THIÊN CUNG

Vị trí: Nằm ở phía bắc đảo Đầu Gỗ, cách cảng tàu du lịch 4km về phía nam.
Đặc điểm: Là một trong những hang động đẹp nhất ở Hạ Long. Hang rộng, có nhiều cấp nhiều ngăn với vô vàn nhũ đá, măng đá mang những hình thù kỳ lạ.

Hang này nằm ngay gần hang Đầu Gỗ, cửa hang ở trên độ cao 25m. đây là một hang động vào loại đẹp nhất ở Hạ Long mà con người biết tới. Hang rộng gần 10.000m2 có cấu trúc rất phức tạp, gồm nhiều cấp, nhiều ngăn với các trần và bờ vách rất cao, rộng. Đặc biệt trong hang, ở đâu đâu ta cũng thấy vô vàn các khối nhũ, măng đá với các hình dáng kì lạ. Vì vậy người ta đã hình dung ra cả một huyền thoại về cuộc tình và sự chia tay của Rồng bố, Rồng mẹ đã diễn ra trên vách đá hoặc nghĩ rằng đây là hình ảnh của các mê cung của Hoàng đế Ba Tư trong chuyện Nghìn lẻ một đêm.

Ở ngách phía trong, hang lại thông ra ngoài bằng một cửa nhỏ, nhìn xuống một vịnh biển nhỏ bị vây kín bởi một vùng cung núi. Trong hang cũng thấy có một dòng chữ trên vách đá và con số 1901. Có lẽ đây là bút tích của nhà thám hiểm đầu tiên đã tìm tới hang này. Bây giờ người ta đã xây hẳn một hệ thống cầu thang, hành lang đẹp và công phu cả ở bên ngoài và bên trong hang với các hệ thống đèn chiếu sáng để du khách dễ dàng vào thăm hang. Ngày 1/5/1998, động Thiên Cung chính thức mở cửa đón du khách và từ đó đã tạo thành một làn sóng du lịch để về vịnh Hạ Long. Đây là chiếc động đầu tiên ở Hạ Long đã được con người sủa sang với quy mô lớn. Sắp tới hang này sẽ được sửa sang một lần nữa với mục đích cố gắng giữ gìn vẻ đẹp tự nhiên của nó.

Nguồn: Tổng cục du lịch Việt Nam

 

HANG SỬNG SỐT

Vị trí: Hang nằm trên dãy đảo Bồ Hòn xung quanh có các hang Bồ Nâu, Mê Cung, Hang Luồn, đảo Ti Tốp...
Ðặc điểm: Là một hang lớn (12.200m2 ) có ba ngăn, trần hang cao có rất nhiều nhũ đá. Người Pháp đã gọi hang này là Grotte des surprises (Hang động của sự sửng sốt).

Đây là hang lớn và có một vẻ rất độc đáo, người Pháp đã tìm đến hang này từ năm 1901, và trong cuốn Du lịch Hạ Long xuất bản năm 1938, họ gọi hang này là Grotte des surprises (Hang động của sự sửng sổt). Miệng hang cách mực nước biển khoảng 25m, bị che khuất dưới các tán lá xum xuê. Từ cửa hang nhìn ra một vùng biển lặng vây quanh bởi vòng cung của núi Bồ Hòn và cách đó chưa tới 1km là những hòn núi nhỏ, nơi cửa hang Bồ Nâu nhìn ra biển. Tại vùng biển này, các thuyền chài tụ tập thành một làng mà quanh đó có các hang Bồ Nâu, Mê Cung, Hang Luồn, đảo Ti Tốp, hòn Đầu Người...

Lòng hang gồm có ba ngăn nối với nhau bởi các ngách ngăn rất hẹp. Ngăn ngoài có trần cao với rất nhiều nhũ rủ xuống. Đặc biệt ngăn thứ ba bỗng nhiên mở rộng mênh mang với mái vòm cong in hình các vệt lõm bằng chiếc mũ rất đều và mịn, trông giống như một nhà hát Opéra khổng lồ thời trung cổ, rất có ấn tượng cho một cuộc đại trình diễn ca múa nhạc kịch. Tiếng nói trong hang nghe rất rõ do không bị vang vọng. Đặc biệt, ở khoang này hầu như không có nhũ vì nóc hang không có khe nứt, không có nước nhỏ giọt.
Giữa hang có một cột nhũ khổng lồ nối thẳng từ nóc xuống nền hang, rất đẹp. Khi đi gần hết hang, ta trông thấy những tảng đá khổng lồ, to hơn một căn phòng, nằm dưới đáy hang mà phần trên của các tảng đá này tưởng như có thể lắp khít lên trần hang phía trên cao.

Chính các tảng đá này đã rơi từ trên đó xuống. Ở đáy hang, ta cũng thấy vỡ ra nhửng mảng lớn để lộ những con đường ngầm, ngõ ngách sâu thẳm.
Từ tháng 1 năm 1999, người ta đã xây một lối đi dài 800m uốn quanh lòng hang. Công việc này hoàn thành vào ngày 1/5/1999.

Nguồn: Tổng cục du lịch Việt Nam

 

HANG BỒ NÂU

Vị trí:Cách Bãi Cháy khoảng 15km theo đường chim bay, phía tây bắc đảo Bồ Hòn, thuộc vịnh Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.
Đặc điểm:Hang nằm trên đảo nhỏ trong khu vực có rất nhiều hòn đảo đẹp. Nơi đây còn dấu tích của người tiền sử và ở cuối hang có 3 măng đá lớn trông giống như ba cụ già ngồi đánh cờ.

Cửa hang rất rộng (50-70m), phía trên uốn hình cung và có nhiều nhũ đá lớn rủ thành từng chùm. Bức ảnh chụp cửa hang Bồ Nâu từ trong nhìn ra với vòm cửa và các nhũ đá đen xẫm như hàm răng một con quái vật khổng lồ, bên ngoài là biển với các hòn đảo đá xù xì và chiếc thuyền buồm cánh dơi, được coi là bức tranh ảnh nghệ thuật thành công sớm nhất về vịnh Hạ Long. Bức ảnh này được ông Nguyễn Duy Kiên chụp vào năm 1958 và các bức ảnh cũng chụp ở góc nhìn này thường xuyên được sử dụng như một hình ảnh điển hình của vịnh Hạ Long.

Nguồn: Tổng cục du lịch Việt Nam

 

HANG ĐẦU GỖ

Vị trí: Nẵm trên đảo Đầu Gỗ ngay cạnh động Thiên Cung, thuộc vịnh Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.
Đặc điểm: Cửa hang hình con sao biển. Hang có 3 ngăn rộng khoảng 8.000m2. Người Pháp gọi hang này là Grotte des Merveilles (Động của các kỳ quan).

Hang Đầu Gỗ còn gọi là hang Giấu Gỗ, cửa hang hình con sao biển lớn cách mặt biển hơn 20m. Đáy hang thấp hơn cửa hang 8m, càng vào trong càng hẹp lại. Trong hang có rất nhiều nhũ đá, măng đá khổng lồ. 
Trước kia nhiều người tin rằng cái tên Đầu Gỗ có nghĩa là công xưởng và kho chứa các cây gỗ lim dùng để chôn xuống lòng sông Bạch Đằng trong cuộc chiến tranh chống quân Nguyên Mông thế kỷ 13. Nhưng cũng có người cho rằng ý kiến này không có căn cứ vững chắc.

Hiện nay người ta đã xây đường lên hang với 90 bậc, có đèn chiếu sáng, quầy lưu niệm. Công việc sửa sang đã hoàn tất vào đúng ngày 2/9/1999.
Đứng từ trên sàn gỗ có lan can ở miệng hang nhìn xuống phía dưới ta có thể thấy hầu hết lòng hang với các nhũ đá và ngách sâu. Gian thứ nhất với vòm cao hơn 20m có nhiều nhũ đá rủ xuống. Ngăn thứ hai thấp hẹp hơn chỉ có một chút ánh sáng rọi vào. Ngăn thứ ba lại mở rộng hẳn ra, ở cuối hang có một giếng nước trong vắt, giữa hang có một chiếc cột đá cao hơn 20m phủ đầy nhũ. Có người nhìn thấy ở đó hình ảnh một vị Phật ngồi ở trên cao nhìn xuống một trận chiến bên dưới voi, ngựa, sư tử và các kỵ sĩ, gươm, giáo... Gần cửa hang có một bia đá cao hơn 1m, các chữ hán khắc trên bia đã mờ. Bên cạnh bia có một bản tiếng Việt nói rằng: Mùa xuân năm Nhâm Tuất (1919) vua Khải Định và toàn quyền Pháp Paul Doumer đã đi thuyền từ Lục Đầu Giang ở Kiếp Bạc qua Hải Phòng rồi ra Hạ Long. Vua Khải Định đã làm một bài thơ ca ngợi vẻ đẹp của động này. Năm 1962, Bác Hồ cũng đã đến thăm hang Đầu Gỗ.
Người ta đã dựng một hành lang gỗ cho du khách đi vòng quanh trong lòng hang, dài tới 500m với các đèn chiếu sáng xuống đáy hang. Cách làm này có ưu điểm là ít làm biến đổi cấu trúc tự nhiên của hang.

Nguồn: Tổng cục du lịch Việt Nam

 

HANG HANH

Vị trí: Ở chân núi Quang Hanh, cách Bãi Cháy 20km, thuộc vịnh Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. 
Đặc điểm: Hang thấp, muốn vào trong phải đi thuyền nhỏ và chờ cho tới khi thuỷ triều xuống thấp, vào hang cần mang theo đèn pin hoặc đuốc.

Chỉ những người ưa mạo hiểm, gan dạ thì mới nghĩ tới việc đi thăm nơi này. Với người bình thường thì tốt nhất chỉ nên nghe kể hoặc xem băng hình mà thôi.

Đây là một chiếc hang thấp chạy dài tới 2km. Cửa hang nằm ở chân núi Quang Hanh, nằm ven bờ biển. Muốn vào hang phải đi bằng thuyền nhỏ, chờ cho đến khi nước thuỷ triều xuống vì trần hang rất thấp. Người chèo thuyền phải biết rõ lúc nước lên để nhanh chóng ra khỏi hang. Trước khi vào hang phải mang theo đuốc hay đèn pin. 
Cheo leo bên cửa hang có một ngôi miếu nhỏ gọi là miếu Ba Cô. Miếu này thờ ba cô trinh nữ đi biển đã vào đây tránh gió. Mê mẩn vì vẻ đẹp của hang, các cô đã bị nước triều dâng lên chẹn mất lối ra và chịu chết trong một vòm hang hẹp. Dân chài thường lên miếu thắp hương xin linh hồn ba cô phù hộ cho họ.

Có thể đến động Hang Hanh bằng cách thuê ca nô đi từ bến Đoan ở Hòn Gai hoặc đi ô tô đến thị xã Cẩm Phả. Tại bến tàu Cẩm Phả, có thể thuê thuyền hoặc ca nô ra Hang Hanh. Tại cửa hang, có các thuyền nhỏ chở thuê vào thăm hang. Bình thường một thuyền 10 chỗ đi vào và ra trong vòng 60-90 phút. Trước khi đi nên hỏi rõ về giờ nước xuống để có thể vào hang và trở ra an toàn.

Nguồn: Tổng cục du lịch Việt Nam

 

ĐẢO VÀ BÃI TẮM NGỌC VỪNG

Vị trí: Cách cảng tàu du lịch 34km, thuộc huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh.
Ðặc điểm: Xung quanh đảo có nhiều bãi biển đẹp, có núi Vạn Xuân cao 182m, có di chỉ khảo cổ thuộc văn hoá Hạ Long rộng 45.000m2.

Là đảo đất, rộng 12km2, đảo Ngọc Vừng có người ở, có bến cảng cổ Cống Yên thuộc hệ thống thương cảng cổ Vân Ðồn từ thế kỷ XI, có di tích thành cổ nhà Mạc và nhà Nguyễn. Trước kia người dân trên đảo có nghề khai thác ngọc trai dưới đáy biển. Ngọc trai ở đây nổi tiếng là đẹp và sáng, người xưa đồn rằng vào ban đêm tàu thuyền từ xa thường nhìn thấy cả ánh hào quang của trai biển trong một vùng sáng quanh đảo, vì thế mà có cái tên là Ngọc Vừng. 
Ngày nay ở quanh vùng này người ta vẫn còn mò trai lấy ngọc, đồng thời nghề nuôi trai lấy ngọc cũng đang phát triển mạnh ở đây. Từ trên tàu du lịch, các bạn có thể nhìn thấy các trại nuôi trai dập dềnh trên mặt biển.

Nằm ở phía nam của đảo là bãi tắm Ngọc Vừng, với bãi cát dài khoảng 3km vàng óng dưới ánh mặt trời. Đến đây du khách được tắm biển, được vãn cảnh. Hải sản ở đây tươi ngon và rẻ, được cung cấp bởi những người dân chài địa phương.

Nguồn: Tổng cục du lịch Việt Nam

 

ĐẢO RỀU

Vị trí: Cách cảng tàu du lịch Bãi Cháy hơn 500m.
Đặc điểm: Đảo Rều là một hòn đảo nhỏ, trên đảo nuôi rất nhiều loại chim thú, trong đó có nhiều loài quí hiếm.

Công ty du lịch quốc tế Hoàng Gia đang xây dựng thành khu vui chơi giải trí với nhiều loại hình dịch vụ. Hiện nay trên đảo nuôi rất nhiều loại chim thú, trong đó có nhiều loài quí hiếm. Đảo Rều đang hiện lên những công trình của một khu du lịch hoàn chỉnh và hẫp dẫn.

Nguồn: Tổng cục du lịch Việt Nam

 

HÒN CON CÓC

Vị trí: Hòn Con Cóc cách cảng tàu du lịch Bãi Cháy 12km về phía đông nam, thuộc vịnh Hạ Long.
Đặc điểm: Hòn núi đá này trông giống như một con cóc ngồi xổm giữa biển nước, cao 9m.

Con cóc xấu xí nhưng lại là một người bạn tốt của nhà nông. Vào mùa nắng hạn người ta cứ nghe theo tiếng cóc để biết khi nào trời đổ mưa. Về chuyện này, đã có hẳn một câu chuyện cổ tích kể về cuộc hành quân gian khổ của đoàn thú vật sắp chết vì đại hạn đã rủ nhau lên Thiên Đình đấu tranh đòi Ngọc Hoàng phải làm mưa. Đoàn quân ấy do chú Cóc gan dạ dẫn đầu và sau khi thắng lợi, Ông trời đã phải nhận Cóc làm cậu Ông Trời và khi nào Cóc nghiến răng thì phải theo lệnh mà thả mưa xuống trần gian.

Nguồn: Tổng cục du lịch Việt Nam

 

HÒN BÚT

Vị trí: Nằm gần đảo Cát Bà, trên đường tới hòn Ba Trái Đào, thuộc vịnh Hạ Long.
Đặc điểm: Như một cây bút khổng lồ trên mặt biển.

Qua hòn Con Cóc khoảng 30 phút chạy tàu, trên đường tới hòn Ba Trái Đào ta sẽ thấy một đảo đá hình một chiếc bút nổi lên trên mặt biển khơi mênh mông.

Đây là "tượng đài" tri thức của Rồng Mẹ muốn gửi lại các thế hệ hôm nay. Cách hòn Bút không xa là một bãi tắm nhỏ rất đẹp, nếu muốn bạn có thể neo tàu tắm biển.

Nguồn: Tổng cục du lịch Việt Nam

 

HÒN ĐẦU MỐI

Vị trí: Thuộc khu vực Bái Tử Long, nằm giữa chặng đường từ Hòn Ấm đến Hòn Đũa.
Đặc điểm: Giống hình một con Mối.

Thuộc khu vực Bái Tử Long, nằm giữa chặng đường từ Hòn Ấm đến Hòn Đũa, một hòn đảo có hình đầu một con mối - một loài côn trùng thường thấy trước những cơn mưa rào đầu mùa. Hòn Đầu Mối đã được liệt kê trong bộ "sưu tập động vật" đa dạng và phong phú của biển đảo Hạ Long.

Nguồn: Tổng cục du lịch Việt Nam

 

HÒN BA TRÁI ĐÀO

Vị trí: Nằm gần đảo Cát Bà, cách cảng tàu du lịch hơn 22km về phía nam theo đường chim bay.
Đặc điểm: Có ba hòn núi nhỏ, cao 23m trông như ba trái đào tiên bị hoá đá.

Đây là một vùng biển vắng vẻ hoang sơ vì thế các khách du lịch mạo hiểm đi bằng thuyền phao tự chèo gọi là thuyền kayak thường chèo thuyền len lỏi quanh đây.
Theo truyền thuyết thì ngày xưa có một nàng tiên xinh đẹp trên Thượng giới đã đem lòng thương yêu một chàng ngư phủ ngày ngày chài lưới trên vịnh Hạ Long. Muốn cho người yêu cũng được bất tử như mình, nàng tiên khờ dại đã lấy trộm ba trái đào tiên mang xuống hạ giới cho người yêu. Ngọc Hoàng biết chuyện đã hoá phép làm ba trái đào tiên biến thành ba hòn đảo đá và từ đó đôi trai gái chẳng bao giờ có thể gặp nhau được nữa. Nhưng bây giờ các đôi tình nhân lại thích ra đây vì ở đó có các bãi tắm thiên nhiên tuyệt đẹp.

Từ cảng tàu du lịch, đi khoảng 10 giờ ca nô là tới bãi tắm Ba Trái Đào. Sở dĩ có tên Ba Trái Đào như vậy vì ở đây có ba bãi cát hình cánh cung quây quần ôm lấy chân đảo, hòn đảo ấy nhìn xa hệt như ba trái đào tiên. Thường bãi tắm này một ngày chỉ tắm được từ 2 - 3 giờ vì thời gian còn lại thuỷ triều nhấn chìm bãi cát, nhưng không vì thế mà du khách không đến nơi đây, ngược lại, hàng năm có hàng ngàn du khách tới đây tắm biển và chiêm ngưỡng vẻ đẹp thần kỳ của tạo hoá.

 

HANG LUỒN

Vị trí: Nằm ở mỏm phía đông bắc đảo Bồ Hòn, cách hang Sửng Sốt khoảng hơn 1km, thuộc vịnh Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.
Đặc điểm: Hang Luồn nối biển với một hồ nước hình tròn khép kín bởi núi. Hang chỉ cao từ 2,5m đến 4m tùy theo con nước thủy triều. Muốn vào được bên trong phải dùng thuyền nhỏ.

Đây là một vòng cung núi hình tròn khép kín ở giữa là một hồ nước xanh ngắt phẳng lặng, thông với biển bằng một đường hầm tạo ra bởi một chiếc hang mà đáy bị ngập nước. Hang Luồn dài gần 60m, nóc hang chỉ cao từ 2,5m đến 4m tuỳ theo con nước thủy triều.

Vòm hang hình cánh cung với nhiều nhũ đá rủ xuống. Hồ nước bên trong trông như một sân vận động với các dãy khán đài vát lên cao vút, quây tròn xung quanh. Trên vách đá có nhiều dương xỉ, vạn tuế và phong lan. Các tàu du lịch không vào được trong hang mà chỉ neo đậu gần cửa. Du khách nào muốn vào thì phải xuống các thuyền nan nhỏ, mỗi chiếc chở được chừng 10 đến 15 người. Cả đi vào và đi ra mất chừng 20 phút. Nên mang theo phao cứu hộ. Đi thuyền vào trong hang du khách không phải trả tiền vì đã được tính trong tiền vé tham quan. Đang có dự án xây các nhà nổi cho du khách ở qua đêm tại đây.

Nguồn: Tổng cục du lịch Việt Nam

 

ĐỘNG TAM CUNG

Vị trí: Động nằm ở trung tâm vịnh Hạ Long, cách động Sửng Sốt 5km về hướng đông bắc.
Đặc điểm: Động có 3 ngăn, luồn lách qua từng khe đá, nhiều nhũ đá có hình người, hoa và các con vật rất đẹp, sống động. 
Động Tam Cung nằm trên đảo Mây Đèn - một hòn đảo nằm gần như tách biệt với các đảo khác. Hòn Mây Đèn vách đá dựng đứng chênh vênh, rừng cây xanh tốt.

Ở cả ba ngăn động, nhũ đá tạo ra những hình thù tự nhiên sống động như tiên ông với chòm râu bạc phơ, ba ông tam đa trầm mặc, nụ hoa quỳnh trắng muốt, rồi nào là hình sư tử, hải cẩu, tượng thuỷ thần... 
Vào ngăn thứ nhất, bất chợt ta dừng bước lặng nghe đâu đó vang lại những âm thanh như tiếng đàn T’rưng hoặc đàn đá thánh thót. Chưa hết ngạc nhiên, du khách bỗng gặp một "ông tiên" đang chống gậy leo núi, chòm râu trắng phơ bay trong gió. Và đây nữa, ba "ông tam đa" đang đứng trầm mặc trên vách động nhìn cảnh trần xuôi ngược. Từ trần động một nhũ đá giống hệt nụ hoa quỳnh trắng muốt đang chúm chím nở giữa rừng hoa nhũ đá.

Từ ngăn thứ nhất đến ngăn thứ hai qua một khe cửa nhỏ, bước đi gập ghềnh, nơi đây như là một bảo tàng tự nhiên sống động, nào là sư tử đá, hải cẩu, tượng thuỷ thần... Và chính giữa ngăn thứ hai là một dòng suối tiên quanh năm nước ngọt tràn trề, hai bên vách động là những bức rèm đá buông rủ từ trần xuống thướt tha, tất cả dường như đang lay động. 
Đến ngăn trong cùng du khách sẽ được xem một bức phù điêu hoành tráng trên đó chạm trổ những hình thù kỳ dị nhưng lại rất công phu, tầng tầng lớp lớp trong một chỉnh thể chung cân đối, hài hoà, những bông hoa, gậy trúc xinh xắn, những bức rèm đá tự nhiên, những chú voi hiền từ đang ngủ...

Nguồn: Tổng cục du lịch Việt Nam

 

HỒ BA HẦM

Vị trí: Nằm trong một vịnh biển kín, ở góc phía tây bắc của dãy đảo Đầu Bê, hòn đảo cực nam của vịnh Hạ Long, cách cảng tàu du lịch hơn 25km.
Đặc điểm:Đây là một hồ nước hình tròn có núi vây quanh. Xuyên qua chân núi có ba khúc hang ngập nước, vòm hang thấp có rất nhiều nhũ đá rủ xuống mặt nước.

Các hang này khá dài và tối, đôi chỗ có những khe sáng lọt xuống, Các vách đá ở gần cửa hang có nhiều phong lan, trúc đuôi gà. Ở cuối hang thứ hai có một cây khế cổ thụ mà sóc, khỉ, vẹt hay đến ăn trái. Hang thứ ba có nhiều dơi cánh bướm, lòng hang rất đẹp, có thể nhìn thấy đáy hang và thấy cá bơi ở đó. Có nhiều thuyền nan chờ ở cửa để đưa du khách vào trong hồ, mỗi chiếc chở được 6-7 người. Mỗi lần ra vào trung bình mất 45 phút. Du khách phải trả tiền đò theo giá thoả thuận từ 10-15 nghìn đồng/chuyến. Trước khi dời tàu xuống thuyền nhớ mang theo phao cứu hộ.

Nguồn: Tổng cục du lịch Việt Nam

 

CỤM DI TÍCH YÊN ĐỨC

Vị trí: Cụm di tích Yên Đức thuộc thôn Đồn Sơn, xã Yên Đức, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh.
Đặc điểm: Cụm di tích này bao gồm 5 di tích hợp thành: núi Canh, núi Đồng Thóc, núi Thung, núi Con Chuột, núi Con Mèo, trên vách núi vẫn còn ghi dấu của nhiều bài thơ cổ được khắc.

Cụm di tích Yên Đức thuộc thôn Đồn Sơn, xã Yên Đức, huyện Đông Triều, gồm 5 di tích tạo thành với những núi đá nhấp nhô muôn hình muôn vẻ như núi Canh (cầy ruộng), núi Đồng Thóc (sự phồn thịnh), núi Thung (cối giã gạo), núi Con Chuột (phá thóc), núi Con Mèo (nằm rình chuột). Tất cả các núi ở đây như được bàn tay tạo hoá xếp đặt thành cảnh sơn thuỷ hữu tình thật đẹp và đều gắn liền với tư duy của cư dân nông nghiệp. 
Ngoài ra ở núi Thung còn có nhà thờ 8 vị thuỷ tổ đầu tiên khai căn lập ấp và chùa Cảnh Huống thờ Phật. 
Lễ hội Yên Đức diễn ra vào ngày 16/1 âm lịch với nội dung phong phú như lễ Phật, lễ giỗ tổ và cũng là ngày lễ giỗ trận của địa phương.

Nguồn: Tổng cục du lịch Việt Nam

 

CÂY LIM GIẾNG RỪNG

Vị trí: Hai cây lim Giếng Rừng nằm dưới chân núi Tiên Sơn, thị trấn Quảng Yên, huyện Yên Hưng, tỉnh Quảng Ninh.
Đặc điểm: Hai cây lim có tuổi thọ trên 700 tuổi và một số địa danh mang tên "Rừng" là dấu tích của vùng rừng cổ bên sông Bạch Đằng xưa.

Hai cây Lim cùng với các địa danh còn lưu lại đến ngày nay như Sông Rừng, Chợ Rừng, Giếng Rừng... chứng tỏ xưa kia là vùng đất ven sông Bạch Đằng là những cánh rừng cổ mà hàng ngàn chiếc cọc trên sông Bạch Đằng năm xưa đã được khai thác từ đó. Về sau các cánh rừng này đã trở thành làng mạc ruộng đồng và đến nay chỉ còn sót lại hai cây cổ thụ cuối cùng. Mặc dù cho thời gian và khí hậu khắc nghiệt nhưng cây vẫn xanh tươi, như một tượng đài giản dị, đơn sơ nhưng đầy sinh lực. Bên dưới tán lá đại thụ có một chiếc giếng cổ gọi là giếng Rừng. Từ bãi cọc ra đây chỉ chưa đến một cây số và khách tham quan thường rẽ qua đây.

Nguồn: Tổng cục du lịch Việt Nam

 

BÃI CỌC BẠCH ÐẰNG

Vị trí: Bãi cọc thuộc xã Yên Giang huyện Yên Hưng, tỉnh Quảng Ninh.
Ðặc điểm: Bãi cọc này được sử dụng trong trận chiến chống quân Nguyên Mông vào năm 1288. Bãi cọc bao gồm hàng trăm cọc bằng những thân cây gỗ lim cắm sâu dưới bùn, dài từ 3 đến 5m và cách nhau khoảng 1m.

Từ quốc lộ 10, cách thị trấn Quảng Yên 2 km có một tấm biển lớn chỉ đường đi tới khu di tích này, nằm ngay cạnh bờ đê sông Chanh.

Vào năm 1953 ở khu đầm nước xã Yên Giang huyện Yên Hưng, trong khi đắp đê người ta đã phát hiện ra một bãi cọc lớn. ở đó có hàng trăm cọc làm bằng các thân cây gỗ lim cắm sâu trong bùn dài từ 3m đến 5m, mỗi chiếc cách nhau khoảng 1m. Ðây chỉ là một phần nhỏ trong một bãi cọc rộng lớn mà tướng quân Trần Hưng Ðạo đã bố trí để làm cạm bẫy ngầm dưới lòng sông Bạch Ðằng trong trận thuỷ chiến chống quân Nguyên Mông xâm lược vào năm 1288.

Sau nhiều thế kỷ, lòng sông đã đổi dòng và khúc sông cũ trở thành đồng ruộng, đầm lầy vì thế nhiều bãi cọc đã mất dấu tích. Hiện nay tại đây còn giữ lại một khu di tích với các cọc gỗ lim vẫn còn đang bị ngâm trong lòng bùn nước suốt hơn 7 thế kỷ làm cho tất cả các du khách đến thãm đều phải ngạc nhiên khâm phục.

Nguồn: Tổng cục du lịch Việt Nam

 

ĐẢO ĐẦU GỖ

Vị trí: Nằm ở phía tây nam vịnh Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh; cách bến tàu du lịch 4km.
Đặc điểm: Đảo Đầu Gỗ xưa còn có tên là đảo Canh Độc. Sách Đại Nam nhất thống chí ghi: Đảo Canh Độc có hang rộng rãi, chứa hàng ngàn người, gần đó là hòn cặp Gà, hòn La, hòn Mèo,... Sau này khi hang Đầu Gỗ được nhiều người biết đến nên gọi tên đảo theo tên hang Đầu Gỗ.

Đảo Đầu Gỗ có đỉnh cao 189 mét, nhìn từ xa, dáng đảo giống một chiếc ngai vàng ôm trọn lòng mình một trũng biển xanh, dãy đảo có 3 hanh động to và đẹp vào hạng nhất Vịnh Hạ Long đó là hang Đầu Gỗ, được mệnh danh là động của các kỳ quan, động Thiên Cung to đẹp bề thế nhất Vịnh hạ Long, động Thiên Long là một di chỉ khảo cổ học thuộc nền văn hoá Hạ Long thời kỳ hậu đồ đá mới rất có giá trị và vừa được phát hiện trong những năm gần đây.

Phía tây đảo là khu vực Ba Hang đẹp như hồ Ba Hầm vậy, đây cũng là khu sinh sống của người dân vạn chài Hạ Long. Đảo núi ở đây vách dựng đứng như bức tường thành phong cảnh sơn thuỷ hữu tình, trên đảo hiện có rất nhiều loài muông thú sinh sống như chim, bò sát, đặc biệt nơi đây có giống khỉ lông vàng sống thành bầy đàn từ 10-15 con. Những hôm đẹp trời chúng xuống tận chân đảo kiếm ăn. Phía trong trũng biển là rừng cây ngập mặn xanh tốt, nơi đây là điểm quần cư cùa các loài chim biển, động thực vật đáy, sò, ngán...

Nguồn: Tổng cục du lịch Việt Nam

 

QUẦN ĐẢO VÂN ÐỒN

Vị trí: Thuộc huyện đảo Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh, cách thành phố Hạ Long chừng 50km về phía đông nam. 
Đặc điểm: Với hơn 600 đảo lớn nhỏ được dàn ra như bức trường thành, Vân Đồn là một kỳ quan thiên nhiên, một thương cảng sầm uất đầu tiên của Việt Nam từ thời Lý, Trần (thế kỷ 11 - 13).

Tới Vân Đồn, ta được tận mắt chứng kiến sự giàu có, phong phú, đa dạng về hải sản của một vùng biển bạc: các đảo Quan Lạn, Minh Châu, Cô Tô... là nơi cư trú sinh sống của hàng ngàn loài cá, trong đó 730 loài đã được định tên. 
Vân Đồn còn là một bảo tàng địa chất ngoài trời, một vườn bách thú, một thảo cầm viên. Từ xưa đến nay, Vân Đồn vẫn là địa chỉ thu hút các nhà khoa học, du khách trong và ngoài nước.

Nguồn: Tổng cục du lịch Việt Nam

 

BÃI CHÁY

Vị trí: Nằm dọc bờ vịnh Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. 
Đặc điểm: Bãi Cháy là một bãi tắm nhân tạo với bãi cát dài hơn 500m, rộng 100m.

Theo truyền thuyết xưa, Bãi Cháy chính là nơi đoàn thuyền lương của quân Nguyên Mông do Trương Văn Hổ cầm đầu vào xâm lược Việt Nam đã bị Trần Khánh Dư cùng quân dân nhà Trần thiêu cháy và bị dạt vào bờ. Do nhiều thuyền giặc bị cháy, gió Đông Bắc lại thổi tạt lửa vào bờ phía tây Cửa Lục làm cháy luôn khu rừng đang hanh khô. Khu rừng bị cháy đó thành Bãi Cháy ngày nay. 
Một truyền thuyết dân gian lại cho rằng trước đây tầu thuyền thường neo đậu vào bãi biển phía tây Cửa Lục. Dưới đáy và bên sườn thuyền thường có con hà bám vào rất chắc có thể ăn hỏng thuyền vì thế dân chài phải lấy lá phi lao đốt xung quanh. Từ bên phía Hòn Gai và các nơi khác nhìn vào đó luôn luôn thấy lửa cháy rực lên nên gọi nơi này là Bãi Cháy. 
Bãi Cháy quanh năm đón gió biển từ ngoài vịnh thổi vào. Đặc điểm địa hình là một dải đồi thấp chạy thoai thoải về phía biển, kéo dài hơn 2km ôm lấy hàng thông cổ thụ, nằm xen là những khách sạn, những biệt thự nhỏ kiến trúc riêng biệt. Bên con đường trải nhựa là hàng cây xanh mát, những hàng quán nhỏ xinh ẩn mình dưới những tán phi lao. Tắm biển xong du khách có dịp thưởng thức các món đặc sản chế biến từ hải sản. Gió biển ở đây như bàn tay thần kỳ mơn man xua đi nỗi ưu tư, phiền muộn.

Nguồn: Tổng cục du lịch Việt Nam

 

ĐẢO ĐẦU BÊ

Vị trí: Nằm ở phía đông nam vịnh Hạ Long, đảo Đầu Bê cách đảo Hang Trai 500 m về phía đông, cách cảng tàu du lịch Bãi Cháy khoảng 28 km, trong một quần đảo nằm ở tuyến ngoài vịnh Hạ Long (cửa biển vịnh Lan Hạ), đứng giữa hai đảo là hòn Trà Ngư và hòn Đá Lẻ. 
Đặc điểm: Đảo có diện tích 22.863 m2 với đỉnh cao nhất 139 m, vách đảo dựng đứng như bức tường thành chắn những con sóng lớn từ phía đông đổ vào vịnh.

Những núi đảo được thiên nhiên mài gọt tạo nên nhiều cảnh đẹp kỳ thú. Nhắc đến đảo Đầu Bê không thể không nói đến hồ Ba Hầm vì đây là một điểm tham quan du lịch nổi tiếng đã được nhiều người biết đến từ xưa.

Nguồn: Tổng cục du lịch Việt Nam

 

BẢO TÀNG QUẢNG NINH

Địa chỉ: 165 Nguyễn Văn Cừ, Tp. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.
Đặc điểm: Bảo tàng Quảng Ninh có kiến trúc hiện đại, diện tích sử dụng để trưng bày và kho bảo quản hiện vật trên 1.500 m2, có khu trưng bày ngoài trời, vườn hoa, cây xanh.

Bảo tàng Quảng Ninh được thành lập năm 1960 với tên gọi lúc đó là Bảo tàng lịch sử và cách mạng khu Hồng Quảng, tại 5B Cầu Cao, thị xã Hòn Gai. Năm 1964, khu Hồng Quảng hợp nhất với tỉnh Hải Ninh thành tỉnh Quảng Ninh và Bảo tàng tỉnh cũng đổi tên thành Bảo tàng Quảng Ninh.
Trong thời kỳ chiến tranh phá hoại, toàn bộ tài liệu, hiện vật của Bảo tàng Quảng Ninh được đưa đi sơ tán đảm bảo an toàn tuyệt đối, trong khi đó ngôi nhà số 5B Cầu Cao bị bom phá huỷ hoàn toàn.
Năm 1990, UBND tỉnh quyết định lấy trụ sở công ty Xuất nhập khẩu Quảng Ninh để làm Bảo tàng Quảng Ninh, tại 165 Nguyễn Văn Cừ, thành phố Hạ Long. Bảo tàng Quảng Ninh là một công trình văn hoá của tỉnh Quảng Ninh và cũng là một trong những bảo tàng lớn ở Việt Nam, một điểm tham quan du lịch hấp dẫn.

Trong hệ thống trưng bày ở bảo tàng Quảng Ninh nổi bật lên các chủ đề và các chuyên đề: văn hoá Hạ Long, văn hoá Lý Trần, văn hoá các dân tộc Quảng Ninh, những chiến công hiển hách và những thành tựu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc, lịch sử khai thác than và truyền thống cách mạng của giai cấp công nhân vùng Mỏ, Bác Hồ với Quảng Ninh, Quảng Ninh trong thời kỳ đổi mới.
Trải qua gần 40 năm, Bảo tàng Quảng Ninh đã sưu tầm, bảo quản hơn 10.000 hiện vật và sưu tập hiện vật quí báu. Đã tiếp đón hàng triệu khách trong nước và quốc tế tham quan, nghiên cứu, tìm hiểu về Quảng Ninh.

Nguồn: Tổng cục du lịch Việt Nam

 

BÃI TẮM QUAN LẠN

Vị trí: Bãi nằm ở đảo Quan Lạn trong vịnh Bái Tử Long, giữa hai xã Minh Châu và Quan Lạn thuộc huyện Vân Đồn, cách thành phố Hạ Long 55 km.
Đặc điểm: Đây là bãi biển đẹp, còn giữ nguyên được vẻ hoang sơ, môi trường sinh thái chưa bị ô nhiễm.

Nước biển xanh ngắt, sóng to, cát trắng trải dài tới vài kilômét. Cách mép nước vài chục mét là những bãi dứa dại xanh ngút ngát làm cho bãi tắm dường như hoang sơ hơn.
Hiện nay công ty Việt Mỹ đã đầu tư xây dựng một hệ thống nhà nghỉ theo kiểu nhà sàn ẩn mình trong những rặng phi lao xanh ngắt. Một con đường lát gạch đỏ au đón du khách từ trục đường chính của xã đến bãi tắm Quan Lạn. Vẻ đẹp hoang sơ và môi trường sinh thái trong lành ở đây tạo nên sự hấp dẫn du khách đến với bãi tắm Quan Lạn.

Nguồn: Tổng cục du lịch Việt Nam

 

VỊNH HẠ LONG

Vị trí: Vịnh Hạ Long nằm ở vùng đông bắc Việt Nam, là một phần bờ tây vịnh Bắc Bộ, bao gồm vùng biển của thành phố Hạ Long, thị xã Cẩm Phả và một phần của huyện đảo Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh. 
Ðặc điểm: Được UNESCO 2 lần công nhận là Di sản Thiên nhiên Thế giới.

Sự tích vịnh Hạ Long kể rằng: Ngày xưa, khi người Việt mới lập nước đã bị giặc ngoại xâm, Ngọc Hoàng sai Rồng Mẹ mang theo một đàn Rồng Con xuống hạ giới giúp người Việt đánh giặc. Thuyền giặc từ ngoài biển ào ạt tiến vào bờ, vừa lúc đàn Rồng tới hạ giới. Đàn Rồng lập tức phun ra vô số châu ngọc và thoắt biến thành muôn ngàn đảo đá trên biển, như bức tường thành vững chắc, bất ngờ chặn bước tiến của thuyền giặc. Đoàn thuyền của giặc đang lao nhanh, bị chặn đột ngột đâm vào các đảo đá và đâm vào nhau vỡ tan tành.

Sau khi giặc tan, Rồng Mẹ và Rồng Con không trở về trời mà ở lại hạ giới, nơi vừa diễn ra trận chiến. Vị trí Rồng Mẹ xuống là Hạ Long, Rồng Con xuống là Bái Tử Long. Đuôi đàn Rồng quẫy nước trắng xoá là Long Vĩ (bán đảo Trà Cổ ngày nay) thành bãi cát mịn và dài hơn chục ki lô mét.
Phía tây nam vịnh giáp đảo Cát Bà, phía tây giáp đất liền với đường bờ biển dài 120 km, với tổng diện tích 1553 km2 gồm 1969 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó 989 đảo có tên và 980 đảo chưa có tên.

Đảo ở Hạ Long có hai dạng là đảo đá vôi và đảo phiến thạch, tập trung ở hai vùng chính là vùng phía đông nam vịnh Bái Tử Long và vùng phía tây nam vịnh Hạ Long. Đây là hình ảnh cổ xưa nhất của địa hình có tuổi kiến tạo địa chất từ 250 - 280 triệu năm, là kết quả của quá trình vận động nâng lên, hạ xuống nhiều lần từ lục địa thành trũng biển. Quá trình Caxto bào mòn, phong hoá gần như hoàn toàn tạo ra một Hạ Long độc nhất vô nhị trên thế giới. Trong một diện tích không lớn, hàng ngàn đảo đá với muôn hình, dáng vẻ khác nhau như những viên ngọc bích long lanh được đính lên chiếc khăn voan xanh biếc của nàng thiếu nữ. Vùng tập trung dày đặc các đảo đá có phong cảnh ngoạn mục và nhiều hang động đẹp nổi tiếng là vùng trung tâm Di sản Thiên nhiên vịnh Hạ Long, bao gồm vịnh Hạ Long và một phần vịnh Bái Tử Long. 
Vùng Di sản được Thế giới công nhận có diện tích 434 km2 bao gồm 775 đảo, như một hình tam giác với ba đỉnh là đảo Đầu Gỗ (phía tây), hồ Ba Hầm (phía nam) và đảo Cống Tây (phía đông). Vùng kế bên là khu vực đệm và di tích danh thắng quốc gia được bộ Văn hoá Thông tin xếp hạng năm 1962.
Từ trên cao nhìn xuống, vịnh Hạ Long như một bức tranh thuỷ mặc khổng lồ vô cùng sống động. Đó là những tác phẩm tạo hình tuyệt mỹ, tài hoa của tạo hoá, của thiên nhiên biến hàng ngàn đảo đá vô tri tĩnh lặng kia trở nên những tác phẩm điêu khắc, hội họa hoàn mỹ với muôn hình dáng vẻ yêu kiều, vừa rất quen thuộc vừa như xa lạ với con người. Hàng ngàn đảo đá nhấp nhô trên sóng nước lung linh huyền ảo, vừa khoẻ khoắn hoành tráng nhưng cũng rất mềm mại duyên dáng, sống động. Đi giữa Hạ Long với muôn ngàn đảo đá, ta ngỡ như lạc vào một thế giới cổ tích bị hoá đá nơi đây. Đảo thì giống hình ai đó đang hướng về đất liền - hòn Đầu Người; đảo thì giống như một con rồng đang bay lượn trên mặt nước - Hòn Rồng; đảo thì lại giống như một ông lão đang ngồi câu cá - hòn Lã Vọng; và kia hai cánh buồm nâu lực lưỡng đang rẽ sóng nước ra khơi - hòn Cánh Buồm; rồi hai con gà đang âu yếm vờn nhau trên sóng nước - hòn Trống Mái; đứng giữa biển nước bao la một lư hương khổng lồ như một vật cúng tế trời đất - hòn Lư Hương... Tất cả đều rất thực, thực đến kinh ngạc. Những đảo đá diệu kỳ ấy biến hoá khôn lường theo thời gian và góc nhìn. Tới đây ta mới nhận ra tất cả chúng không phải là những hòn đảo vô tri tĩnh lặng mà như có hồn và đều sống động.

Tiềm ẩn trong lòng các đảo đá ấy là những hang động tuyệt đẹp như động Thiên Cung, hang Đầu Gỗ, động Sửng Sốt, hang Trinh Nữ, động Tam Cung... Đó thực sự là những lâu đài của tạo hoá giữa chốn trần gian. Từ xưa, Hạ Long đã được đại thi hào dân tộc Nguyễn Trãi mệnh danh là “kỳ quan đất dựng giữa trời cao”. Bao tao nhân mặc khách từ khắp năm châu khi đặt chân đến đây đều cảm thấy bàng hoàng trước vẻ đẹp kỳ vĩ của Hạ Long, dường như họ đều cảm thấy lúng túng và bất lực bởi vốn từ hiện có vẫn chưa đủ để mô tả vẻ đẹp của Hạ Long.
Vịnh Hạ Long cũng là nơi gắn liền với những trang sử vẻ vang, hào hùng của dân tộc Việt Nam với những địa danh nổi tiếng như Vân Đồn - nơi có thương cảng cổ sầm uất vào thế kỷ thứ 12; có núi Bài Thơ lịch sử; cách đó không xa dòng sông Bạch Đằng - là chứng tích của hai trận thuỷ chiến lẫy lừng của các thế hệ ông cha chống giặc ngoại xâm. Không chỉ có vậy, Hạ Long còn là một trong những cái nôi của con người với nền Văn hoá Hạ Long huy hoàng thời Hậu kỳ đồ đá mới tại những địa danh khảo cổ học nổi tiếng như Đồng Mang, Xích Thổ, Soi Nhụ, Thoi Giếng...
Hạ Long cũng là nơi tập trung đa dạng sinh học cao với những hệ sinh thái điển hình như hệ sinh thái rừng ngập mặn, hệ sinh thái rạn san hô, hệ sinh thái tùng áng, hệ sinh thái rừng cây nhiệt đới... Với hàng ngàn loài động thực vật vô cùng phong phú, đa dạng như tôm, cá, mực... Có những loài đặc biệt quý hiếm chỉ có ở nơi đây.

Với những giá trị đặc biệt như vậy, ngày 17/12/1994, trong phiên họp lần thứ 18 của Hội đồng Di sản Thế giới thuộc UNESCO tổ chức tại Thái Lan, vịnh Hạ Long chính thức được công nhận là Di sản Thiên nhiên của thế giới. Năm 2000, vịnh Hạ Long được UNESCO công nhận lần thứ hai Di Sản thế giới bởi giá trị địa chất, địa mạo. Điều đó đã khẳng định giá trị ngoại hạng mang tính toàn cầu của vịnh Hạ Long.
Dẫu bạn ở đâu trên thế gian này, là người da trắng hay da màu, không kể quốc tịch, ngôn ngữ, tuổi tác... khi đặt chân đến đây cũng đều có chung những cảm xúc, sự rung động của con tim trước một kỳ quan của đá và nước, và khi phải chia tay Hạ Long chắc sẽ để lại những ấn tượng khó quên... Câu chuyện huyền thoại xa xưa về đàn rồng mẹ và đàn rồng con đã phun châu nhả ngọc tạo nên hàng ngàn đảo đá ngăn bước quân thù, hôm nay vẫn đứng đó tạo nên một di sản vô giá cho nhân loại.
Bạn đã có dịp đến với Hạ Long - Di sản có một không hai trên thế giới để được chiêm ngưỡng và khám phá những bí mật còn ẩn chứa nơi này?

Nguồn: Tổng cục du lịch Việt Nam

 

TRUNG TÂM THƯƠNG MẠI BÃI CHÁY

Vị trí: Chợ Trung tâm Thương mại Bãi Cháy nằm ở phố Vườn Đào, thuộc khu vực Bãi Cháy, Tp. Hạ Long.
Đặc điểm: Trước đây là một chợ nhỏ nằm ở phố Vườn Đào, ngày nay Tp. Hạ Long có một phố mới mở thêm gọi là phố Anh Đào nên chợ đã lùi vào phía trong và được đầu tư xây dựng thành một trung tâm thương mại lớn, hiện đại.

Nguồn: Tổng cục du lịch Việt Nam

 

KHU DU LỊCH ĐỀN VÀ HANG ĐỘNG VŨNG ĐỤC

Vị trí: Khu du lịch này nằm bên vịnh Bái Tử Long, dưới chân núi Bàn Cờ, cách Tp. Hạ Long 45km về phía đông bắc. 
Đặc điểm:Đây là một khu du lịch độc đáo mang đậm ý nghĩa về lịch sử - tôn giáo, được liên kết bởi năm hang động hoành tráng và kì vĩ: động Thiên Đăng - Long Vân - Ngỡ Ngàng - Hang Kim Quy - Hang Dơi.

Hệ thống cáp treo sẽ đưa du khách tới thăm các hang động này. Tại động Thiên Đăng, trên độ cao lý tưởng để du khách có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp của vịnh Bái Tử Long.
Đến với khu du lịch Vũng Đục, du khách có thể đi thăm một số đảo và khu du lịch trong vịnh Bái Tử Long như Vườn quốc gia Bái Tử Long, đảo Thẻ Vàng, khu du lịch đảo Cống Tây, khu du lịch sinh thái đảo Thẻ Vàng.

 

KHU DU LỊCH YÊN TRUNG

Vị trí: Khu du lịch nằm trên đường 18A nối Hạ Long-Hà Nội, cách khu di tích danh thắng Yên Tử khoảng 5km.
Đặc điểm: Từ thị xã Uông Bí đi khoảng 10km có biển chỉ dẫn rẽ phải theo một con đường trải nhựa, bạn sẽ tới khu du lịch Yên Trung.

Từ cổng đi vào khu du lịch khoảng 500m, dọc theo hai bên đường là những hàng thông vi vút, du khách sẽ tới một hồ nước đẹp và rộng, xung quanh là những đồi thông.
Giữa hồ có những đảo nhỏ, cây cối xanh tươi. Du khách có thể bơi thuyền dạo chơi trên hồ, ghé thăm các đảo nhỏ hoặc câu cá thư giãn.

Tại khu du lịch này đã có “bản” dân tộc Mường, bản này nằm trên một quả đồi cao gồm ba ngôi nhà sàn được trang trí theo phong cách Mường. Tại đây du khách có dịp tìm hiểu đời sống cộng đồng người Mường qua các vật dụng trưng bày: bếp, nồi nấu rượu, cối giã gạo, xay lúa, dụng cụ săn bắt hoặc giường, chăn, gối...
Trong tương lai khu du lịch này có thêm nhiều “bản” các dân tộc Việt Nam như Tày, Nùng, Thái... và nhiều loại hình dịch vụ khác sẽ đi vào hoạt động.

Nguồn: Tổng cục du lịch Việt Nam

 

ĐẢO THẺ VÀNG

Vị trí: Đảo Thẻ Vàng nằm ở khu vực vịnh Bái Tử Long, cách Cẩm Phả khoảng 13km.
Ðặc điểm:Đây là khu du lịch sinh thái đang được đầu tư, xây dựng. Bãi tắm ở trên đảo tuy nhỏ nhưng sạch và đẹp.

Trên đảo đang xây dựng khu du lịch để đón khách nghỉ cuối tuần. Một bãi tắm nhân tạo cũng đã được hình thành.

Trong tương lai, một hệ thống nhà nghỉ với các dịch vụ du lịch khép kín sẽ được xây dựng để phục vụ du khách có nhu cầu nghỉ ngơi, thư giãn cuối tuần.

Nguồn: Tổng cục du lịch Việt Nam

 

KHU DU LỊCH ĐẢO CỐNG TÂY

Vị trí: Đảo Cống Tây nằm ở vịnh Bái Tử Long, cách Cảng tàu du lịch Bãi Cháy khoảng 40km.
Đặc điểm: Đảo Cống Tây được ví như nàng Lọ Lem trong câu chuyện thần thoại. Tại đây Công ty Cảng và Xây dựng than Cẩm Phả đã xây dựng thành khu du lịch cuối tuần phục vụ khách tham quan và nghỉ ngơi.

Tàu thường chạy từ Cẩm Phả ra đảo khoảng 90 phút, tàu cao tốc khoảng 30 phút. Một hệ thống nhà nghỉ, nhà ăn đủ tiện nghi phục vụ khách du lịch nằm sát bãi biển. Từ nhà nghỉ tới bãi tắm là một hệ thống đường lát gạch đỏ au, hai bên là những hàng dừa thẳng tắp. Đó đây, dưới các tán cây đã mắc sẵn võng, du khách có thể đến thư giãn, ngắm biển, đọc sách.
Hiện nay Cống Tây đã và đang trở thành điểm du lịch khá hấp dẫn khách du lịch. Hệ thống nhà nghỉ tiếp tục được nâng cấp, sửa sang khang trang cùng với hệ thống dịch vụ ngày càng được hoàn thiện hơn để đáp ứng nhu cầu của du khách.

Nguồn: Tổng cục du lịch Việt Nam

 

KHU DU LỊCH ĐẢO TUẦN CHÂU

Vị trí: Khu du lịch đảo Tuần Châu cách trung tâm thành phố Hạ Long khoảng 8km.
Đặc điểm: Khu du lịch đảo Tuần Châu có diện tích 220ha, được kiến tạo bởi những ngọn đồi thoai thoải. Một con đường trải bê tông dài khoảng 2km nối đảo với đất liền.

Tại Tuần Châu có rất nhiều hạng mục công trình đã và đang được xây dựng. Từ ngoài cổng đi vào lần lượt du khách sẽ đi qua một khu đồi với khu biệt thự có hạ tầng cơ sở đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Đi tiếp vào trong, khu phố ẩm thực với năm nhà hàng và nhà tròn được thiết kế theo kiến trúc cung đình rất đẹp cùng một lúc có thể phục vụ trên 1.000 thực khách với những món ăn Âu, Á và dân tộc do các đầu bếp nổi tiếng trong nước và ngoài nước thực hiện. Các tiếp viên nhà hàng đều mang trang phục truyền thống của Việt Nam. Vào khu trung tâm du khách sẽ choáng ngợp bởi câu lạc bộ biểu diễn cá heo, hải cẩu, sư tử biển được xây dựng rất hiện đại và độc đáo. 
Bãi tắm Tuần Châu với thảm cát trải dài 2km sẽ làm cho du khách thoải mái vùng vẫy giữa làn sóng biển trong xanh. Sát bãi biển là khu biệt thự 50 phòng nghỉ đạt tiêu chuẩn quốc tế 5 sao mang đến cho du khách những phút giây thoải mái. Ở đây còn có trên 300 phòng nghỉ khác đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Tại đảo Tuần Châu du khách có thể tham dự các hoạt động thể thao dưới nước: mô tô trượt nước tốc độ cao; ca nô kéo dù, lướt ván; câu cá trên biển Hạ Long; chèo thuyền; khinh khí cầu tham quan vịnh Hạ Long hoặc leo núi, cắm trại... Các dịch vụ: biểu diễn cá heo, sư tử biển, hải cẩu, xiếc thú, võ thuật phục vụ khách liên tục 3 suất/ngày trong tất cả các ngày trong tuần trừ thứ 2, công viên nhạc nước.
Hiện nay khu du lịch đảo Tuần Châu đang hoàn thiện. Rất nhiều dự án khác đang chờ các nhà đầu tư, biến đảo Tuần Châu thành đảo Ngọc Châu của Hạ Long, với ước mong được đón bạn đến với năm “Du lịch Hạ Long”.

Nguồn: Tổng cục du lịch Việt Nam

 

KHU DI TÍCH DANH THẮNG YÊN TỬ

Vị trí: Yên Tử thuộc xã Thượng Yên Công, thị xã Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh.
Đặc điểm: Khu di tích danh thắng Yên Tử là một quần thể chùa, am, tháp, tượng, rừng cây cổ thụ và cảnh vật thiên nhiên nằm rải rác từ dốc Đỏ theo chiều cao dần đến đỉnh núi.

Khu di tích danh thắng Yên Tử là một quần thể chùa, am, tháp, tượng, rừng cây cổ thụ. Là cái nôi của Thiền phái Trúc Lâm từ cuối thế kỷ 13.

Nằm trong cánh cung núi trùng điệp của khu Đông Bắc, đỉnh núi Yên Tử có chùa Đồng ở độ cao 1.068m so với mặt nước biển. Từ xưa, núi rừng Yên Tử đã nổi tiếng là nơi ngoạn mục và được liệt vào Danh sơn đất Việt. 
Núi Yên Tử có chiều cao 1.068 m từ xưa đã được coi là danh sơn đất Việt. Ngay từ thế kỷ thứ 10, đạo sĩ Yên Kỳ Sinh đã đến tu hành và đắc đạo ở đây, nhưng Yên Tử chỉ thực sự nổi tiếng khi Vua Trần Nhân Tông - một ông vua đang thời thịnh trị (cuối thế kỷ 13) đã từ bỏ ngai vàng đến đây tu hành, nghiên cứu Phật pháp và trở thành vị Tổ thứ nhất của Thiền phái Trúc Lâm với Phật danh Điều Ngự Giác Hoàng . Vị Tổ thứ hai và thứ ba kế tục sự nghiệp của ông là Pháp Loa Đồng Kiên Cương và Huyền Quang Lý Đạo Tái. Từ đó, Yên Tử trở thành kinh đô tư tưởng của Phật giáo Việt Nam, đánh dấu sự phát triển triết học và tư tưởng của dân tộc đương thời.

Ngày nay qua nhiều thăng trầm, các di tích còn lại ở Yên Tử đã tìm thấy gồm 11 chùa và hàng trăm am, tháp, bia, tượng, hội tụ của nhiều phong cách kiến trúc, điêu khắc của các thời đại. Hiện nay hệ thống cáp treo ở Yên Tử đã đi vào hoạt động, đưa du khách tới chùa Hoa Yên ở độ cao 534m so với mực nước biển, nơi có hai cây đại 700 năm tuổi. Từ đây du khách tiếp tục leo núi, tới các ngôi chùa nằm rải rác trên đường đi tới chùa Đồng. Đường lên chùa Đồng du khách có cảm tưởng như đi trong mây. Gặp khi trời quang mây tạnh, từ đỉnh núi này, du khách có thể chiêm ngưỡng cảnh đẹp của vùng Đông Bắc.

Vào mùa xuân, khách thập phương thường đến Yên Tử rất đông vừa để hành hương, vừa để vãn cảnh. Lễ hội Yên Tử bắt đầu từ ngày 10 tháng giêng âm lịch và kéo dài đến cuối tháng 3 âm lịch.
Quần thể di tích Yên Tử nằm gần đường 18A, cách thị xã Uông Bí 14km và là một điểm du lịch rất hấp dẫn.

Nguồn: Tổng cục du lịch Việt Nam

 

CÔNG VIÊN HOÀNG GIA

Vị trí: Khu công viên Quốc tế Hoàng Gia nằm dọc theo bãi biển Bãi Cháy, chạy dài từ Cảng tàu du lịch Bãi Cháy đến sát khu chợ đêm Hạ Long. 
Đặc điểm: Đây là một khu vui chơi giải trí liên hợp, diện tích khoảng 8 ha.

Tại đây có các nhà hàng chuyên phục vụ các món ăn Âu, nhà hàng chuyên các món ăn Trung Quốc, nhà hàng Cơm Việt Nam với các món ăn đặc sản biển. Dịch vụ vui chơi giải trí rất đa dạng: bãi tắm tự do bằng cát nhân tạo, chiều dài khoảng 400m; quán giải khát; trung tâm dịch vụ tắm biển; trạm cấp cứu; khu công viên có: vườn chim thú quí, vườn hoa lan, bãi bắn cung, xương rồng cảnh, tàu lắc cảm giác mạnh, nhà ma, sàn nhảy disco, phòng karaoke, ôtô điện tử, phòng tranh mỹ thuật; khu biểu diễn có: sân khấu ngoài trời, biểu diễn múa rối nước và ca múa nhạc dân tộc; bảo tàng; cầu tầu du lịch để đón và đưa khách thăm vịnh... 
Cách Cảng tàu du lịch Bãi Cháy khoảng 400m là đảo Rều - khu du lịch sinh thái hấp dẫn, nhiều loài chim thú quí hiếm: trăn, đà điểu, ngựa lùn...; cá biển, cây cảnh; nhiều dịch vụ du lịch: nhà hàng, bar ngoài trời. Công viên sẵn có ca nô đưa bạn ra đảo tại cầu tầu ở đây.
Trong tương lai, Công ty liên doanh quốc tế Hoàng Gia (Đài Loan) tiếp tục đầu tư xây dựng tại khu công viên này nhiều hạng mục công trình để phục du khách đến với Hạ Long.

Nguồn: Tổng cục du lịch Việt Nam

 

NGHỀ MỸ NGHỆ THAN ĐÁ

Đặc điểm: Nghề thủ công mỹ nghệ bằng than đá ở Quảng Ninh đến nay đã trở thành một nghề thủ công truyền thống khá nổi tiếng.

Sản phẩm mỹ nghệ bằng than đá ngày càng được đông đảo khách trong nước và quốc tế ưa thích bởi vẻ đẹp và sự độc đáo về chất liệu, tính thẩm mỹ và bàn tay khéo léo của người thợ thủ công tài hoa.

Từ những cục than bình thường, qua con mắt và bàn tay người thợ đã trở thành sản phẩm hàng hoá có giá trị thẩm mỹ và giá trị kinh tế rất lớn. Có sản phẩm trị giá một vài chục ngàn đồng, có sản phẩm trị giá vài triệu đồng. 
Kiểu loại cũng rất phong phú, đa dạng từ những con trâu, con nai, gạt tàn thuốc lá quen thuộc trước đây, đến những tác phẩm điêu khắc đạt trình độ cao.
Tỉnh Quảng Ninh đã và đang tiếp tục quan tâm tạo điều kiện để nghề thủ công mỹ nghệ than đá ngày càng phát triển nhằm xây dựng thành những dãy phố, những làng nghề chuyên sản xuất kinh doanh mặt hàng này, vừa trở thành những địa chỉ tham quan du lịch hấp dẫn vừa góp phần bảo tồn và phát huy truyền thống bản sắc văn hoá vùng công nghiệp mỏ, đồng thời tạo thêm mặt hàng xuất khẩu có giá trị cao.

Nguồn: Tổng cục du lịch Việt Nam

 

NGHỀ THỦ CÔNG MỸ NGHỆ GỐM SỨ

Đặc điểm: Cách đây trên dưới 4.500 năm, những đồ gốm sứ Hạ Long đã nổi tiếng bởi kiểu dáng, hoa văn trang trí hình sóng nước, hình móc câu, hình quả trám và hoa văn trổ thủng.

Ðó là các loại men chảy, men tổng hợp, các họa tiết hoa văn trang trí khéo léo, sinh động...Sản phẩm gốm sứ Quảng Ninh được khách hàng ưa chuộng, đã có mặt ở nhiều nước trên thế giới: Pháp, Italia, Nga, Hồng Kông, Trung Quốc. Trung Quốc vốn là nước có bề dày và nổi tiếng về gốm sứ, nhưng gốm sứ Quảng Ninh vẫn có chỗ đứng trong thị trường Trung Quốc bởi sự độc đáo của nó.
Khi nói đến nền văn hoá Hạ Long ngoài những chiếc rìu, chiếc bôn bằng đá mài vừa có vai, vừa có nấc phải nói đến những đồ gốm sứ Hạ Long cách ngày nay trên dưới 4.500 năm rất đẹp và nổi tiếng bởi kiểu dáng, hoa văn trang trí hình sóng nước, hình móc câu, hình quả trám và hoa văn trổ thủng mà nay còn trưng bày tại bảo tàng Quảng Ninh. 
Đến đầu thế kỷ 20, khi các lò gốm sứ Móng Cái ra đời đã để lại một dấu ấn trong làng gốm sứ Việt Nam, bởi màu men lam nhạt độc đáo của nó.
Các lò gốm sứ ở Quảng Ninh hiện nay tập trung ở thị trấn Đông Triều và Mạo Khê, trong đó có hợp tác xã Đông Thành và các lò gốm tư nhân.

Sản phẩm gốm sứ Quảng Ninh hôm nay vô cùng phong phú, đa dạng, với các loại hũ, lọ, bình rượu, đôn chậu, các con giống. Đó là các loại men chảy, men tổng hợp, các họa tiết hoa văn trang trí khéo léo, sinh động... đáp ứng yêu cầu trong nước và xuất khẩu, vừa góp phần phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, vừa góp phần bảo tồn và phát huy truyền thống bản sắc văn hoá dân tộc, vừa đáp ứng yêu cầu tham quan du lịch.

Nguồn: Tổng cục du lịch Việt Nam

 

LÀNG CHÀI CỬA VẠN

Vị trí:Làng chài thuộc xã Hùng Thắng, thành phố Hạ Long, cách bến tàu du lịch khoảng 20km.
Ðặc điểm:Thôn Cửa Vạn có 176 hộ gồm 733 nhân khẩu hầu hết đều sinh sống bằng nghề chài lưới.

Làng nằm trong một vụng biển lặng sóng, xung quanh là núi đá bao bọc có tên Vạ Giá - Cửa Vạn. Khu vực này là một địa điểm lý tưởng cho các loại tàu neo đậu.
Tất cả nhà ở của họ đều nổi trên biển nhưng rất khang trang sạch sẽ. Những gia đình khá giả có nhà lợp ngói trên những bè phao nổi, trong nhà có đủ tiện nghi như đài, ti vi, bàn ghế...
Làng chài trên biển mênh mông này có một cơ sở đào tạo cho trẻ em thôn Cửa Vạn. Trên diện tích 150m2 được neo đậu dưới chân núi Ngọc là bốn phòng học và một vài phòng nhỏ dành cho giáo viên. Đây là những lớp học nổi đầu tiên trên biển dành cho con em làng chài của vùng biển Hạ Long. Hiện nay Cửa Vạn có 7 lớp học, chủ yếu là học sinh lớp một và lớp hai, ít tuổi nhất là 8 và cao nhất là 17 tuổi.

Thật lý thú khi bạn có dịp chứng kiến cảnh nhộn nhịp đến trường bằng thuyền của học sinh làng chài. Tiếng gọi nhau í ới, tiếng mái chèo khua nhộn nhịp làm xao động cả một vùng nước vốn tĩnh lặng trong vịnh. Những chiếc thuyền nan bé tí tẹo được điều khiển bằng những mái chèo xinh xắn lao đi vun vút, những khuôn mặt hớn hở đến lớp cho bạn thấy cả một tương lai tươi sáng đang đến với xóm chài định cư trên biển này.
Làng chài Cửa Vạn hiện đang là điểm hấp dẫn thu hút khách du lịch nước ngoài. Hầu hết các tour thăm vịnh của các hãng du lịch đã chọn làng chài để đưa khách tới thăm.

Nguồn: Tổng cục du lịch Việt Nam

 

NGHỀ ĐÁNH BẮT HẢI SẢN

Đặc điểm: Ðánh bắt hải sản ở Quảng Ninh là một nghề truyền thống, có lịch sử lâu đời, đến nay vẫn còn tồn tại nhiều cách thức đánh bắt thủ công cổ truyền như: nghề câu mực, câu cá song; nghề chã, nghề chài; nghề đào sái sùng; nghề đánh cá đèn…

Vùng biển Quảng Ninh có nguồn lợi thủy sản rất phong phú, có nhiều loại tôm cá, nhiều loại hải sản qúy có giá trị kinh tế cao cả ở trong nước và xuất khẩu như các loại cá ngon nổi tiếng: chim, thu, nhụ, đé, song, ngừ, các đặc sản như: tôm he, mực ống, cua, ghẹ, sái sùng, sò huyết, hải sâm, ngán, các loại ốc... 
Ðánh bắt hải sản ở Quảng Ninh là một nghề truyền thống, có lịch sử lâu đời, đến nay vẫn còn tồn tại nhiều cách thức đánh bắt thủ công cổ truyền, không những có ý nghĩa về mặt kinh tế xã hội mà còn có ý nghĩa rất lớn về mặt văn hoá và du lịch. 
Trong những năm gần đây, Quảng Ninh đã quan tâm đầu tư nâng cấp tàu thuyền, ngư cụ, trang thiết bị hiện đại để đánh bắt xa bờ, nâng cao sản lượng, kết hợp với việc đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản ở ven bờ. Ðó là một hướng đi đúng, phù hợp với thời đại theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

Hiện tại, người dân vùng biển Quảng Ninh còn duy trì nghề đánh bắt hải sản bằng thủ công khá phổ biến. Ðó là các nghề: nghề câu mực, câu cá song; câu cáy; nghề chã, nghề chài; nghề đào sái sùng; nghề đánh cá đèn; nghề cào ngán, cào thiếp, nghề bổ hà,... 
Nghề câu mực, câu cá song có ý nghĩa kinh tế lớn. Mấy năm vừa qua, nghề câu cá song phát triển rất mạnh ở vùng biển Cô Tô. Có đêm một người thu được vài triệu đồng.
Câu cáy ở ven biển, ở những bãi sú vẹt thường là để giải trí, đi câu cho vui và kết hợp kiếm bát canh cho khoẻ người. Câu cáy không cần mồi, chỉ cần 2 - 3 lưỡi câu buộc chụm lại, thả xuống cáy chạy ra ngậm càng vào, thế là nhấc vội lên, không cần phải gỡ mà cáy tự nhả càng ra rơi vào giỏ đựng.

Nghề chã, nghề chài bằng thuyền nhỏ, không ra khơi xa, chỉ ở trong vịnh, ven bờ. Có khi cả gia đình sống trên một chiếc thuyền nhỏ. Cảnh thường gặp và gây ấn tượng là cảnh phơi lưới thường thấy ở lán bè thành phố Hạ Long mà các họa sĩ đã thể hiện trong các bức tranh của mình. 
Nghề đánh cá đèn cách đây vài chục năm, trên vùng biển Quảng Ninh còn rất phổ biến nghề đánh cá đèn. Khi đèn thắp sáng trong đêm thì cá đua nhau tìm đến và người ta bủa lưới bắt cá. Du khách có dịp đi cùng thuyền đánh cá đèn tha hồ mà ngắm nhìn tôm cá tung tăng bơi lội dưới ánh đèn. Người ngư dân vớt mực đem nướng trên phễu đèn rồi chủ khách cùng ăn. Mực tươi nướng thơm phức, ngọt lịm, nhấm nháp với một vài chén rượu, du khách như cảm thấy cảnh thần tiên trên mặt biển. Mặt biển trong đêm rực sáng như một thành phố nổi thật là ngoạn mục nên thơ.
Nghề đào sái sùng người đi đào sái sùng lăm lăm trong tay cái mai, cán dìu, mắt quan sát về phía trước, bước chân đi nhẹ nhàng. Khi phát hiện có sái sùng thì họ hết sức nhanh nhẹn dùng mai lao xuống cát hất vội con sái sùng nâng lên, nhặt đưa ngay vào giỏ. Nếu đẩy mạnh và chậm một chút thì sái sùng luồn sâu vào trong cát rất khó bắt. Nhìn ngắm cảnh đào bắt sái sùng có cảm tưởng như thấy người nghệ sĩ đang biểu diễn trên bãi cát rất điệu nghệ, cũng rất gây ấn tượng.

Quảng Ninh có ngư trường rộng lớn, có bờ biển dài hơn 250km từ Trà Cổ thuộc thị xã Móng Cái giáp với Trung Quốc đến đảo Hà Nam thuộc huyện Yên Hưng giáp với Hải Phòng. 
Kết quả khai quật ở nhiều di chỉ khảo cổ học ở vùng biển Hạ Long cho thấy nghề đánh bắt hải sản xuất hiện rất sớm, cách đây bốn, năm ngàn năm đến sáu, bảy ngàn nãm. Ðó là các hòm chỉ lưới bằng đất nung, các mũi nhọn, kim khâu bằng xương để đan lưới tìm thấy ở các di chỉ Soi Nhụ, Thoi Giếng, Ngọc Vừng, Hoàng Tân... hiện được lưu giữ và trưng bày tại Bảo tàng Quảng Ninh.

Nguồn: Tổng cục du lịch Việt Nam

 

GHỀ NUÔI CẤY NGỌC TRAI

Vị trí: Làng nghề nuôi cấy ngọc trai thuộc huyện đảo Vân Ðồn, tỉnh Quảng Ninh.
Ðặc điểm:Nghề nuôi cấy Ngọc trai ra đời cách đây khoảng 40 năm. Ở đây có rất nhiều các loại trai quý và có giá trị xuất khẩu cao như: trai Mã Thị, trai Vỏ Dày, trai Cánh Dài và loài Jamson.

Làng nghề nuôi cấy ngọc trai trên biển đầu tiên của vùng Ðông Bắc Việt Nam thuộc huyện đảo Vân Ðồn, cách thành phố Hạ Long khoảng 60km. Nghề này đã ra đời và phát triển ở đây khoảng 40 năm. Huyện đảo Vân Ðồn có diện tích các bãi triều ngập nước là 10.969ha, cùng hàng vạn ha đất có mặt nước tại các vụng, tùng, vịnh... ẩn khuất trong trùng điệp núi đá, núi đất thuộc vịnh Bái Tử Long là những nơi lý tưởng để phát triển nghề này.
Vân Ðồn là nơi tập trung tới bốn loài trai ngọc có giá trị, gồm trai Mã Thị, trai Vỏ Dày, trai Cánh Dài và loài Jamson. Ðây là những loài trai ngọc rất quí và có giá trị xuất khẩu cao. Với diện tích mặt nước hàng vạn ha, cùng với khí hậu, môi sinh rất thuận lợi cho việc nuôi trai cấy ngọc, tạo nên một vùng nuôi cấy ngọc trai rất lớn ở Vân Ðồn. 
Theo tàu ra vịnh, du khách có dịp tới thăm các "ngư trường" nuôi trai cấy ngọc trên biển của “làng” trai ngọc Vân Ðồn. Dưới ánh nắng ban mai lấp loá những giàn phao, lưới lồng nhấp nhô trải dài theo con sóng, chắc bạn sẽ cảm thấy ngỡ ngàng, thích thú bởi cảnh vật nơi này.

Ngày xưa, nghề nuôi trai, cấy ngọc được làm theo phương pháp thủ công. Lồng nuôi trai, cấy ngọc được treo lên đầu sào tre, số lượng ít, hiệu quả kinh tế không cao. Ngày nay nhờ áp dụng kĩ thuật nuôi trai lồng bè với phao dây theo phương pháp khoa học kĩ thuật tiên tiến như treo lồng ở độ sâu không quá 2,5m để khi triều rút, lồng nuôi không được nổi lên mặt nước biển hoặc không được chạm đáy, loài khác sẽ ăn trai hoặc con trai sẽ hớp phải bùn... Một phương pháp nữa cũng được áp dụng, đó là ghép bè thành giàn bằng các cây tre dài và thẳng, diện tích vài trăm mét vuông/khu, mỗi lồng cách nhau 0,5m. Những bè nuôi như vậy có thể nuôi trai theo nhiều lứa tuổi, việc di chuyển chăm sóc trai cũng dễ dàng hơn.

Nguồn: Tổng cục du lịch Việt Nam

 

CHỢ HẠ LONG

Vị trí: Chợ nằm ở trung tâm thành phố Hạ Long. 
Đặc điểm:Đây là chợ đầu mối thương mại của tỉnh Quảng Ninh. Hàng hoá ở đây khá phong phú, từ các loại hàng thông thường đến các loại hàng cao cấp, trong đó đa sô là hàng sản xuất từ Trung Quốc.

Chợ được xây dựng khang trang, các sạp hàng sắp xếp trật tự, khoa học; nhờ đó, khách dễ dàng tìm được những mặt hàng theo nhu cầu. Các loại hải sản ở đây tươi ngon và rẻ. Đặc biệt trong chợ Hạ Long có món chả mực, dịch vụ cho món ăn này được bố trí thành dãy dài trong chợ. Đây chính là nét đặc sắc của chợ Hạ Long. Món chả mực rán nóng hổi, toả mùi thơm rất hấp dẫn khiến thực khách khó lòng từ chối nếm thử một lần để rồi nhớ mãi.

Nguồn: Tổng cục du lịch Việt Nam

 

HÒN NGÓN TAY

Vị trí: Hòn Ngón Tay nằm trên đường ra đảo Ti Tốp, thuộc vịnh Hạ Long.
Ðặc điểm: Trông như một "ngón tay cái" chỉ lên trời.

Tiếp tục cuộc hành trình tới đảo Ti Tốp, du khách sẽ thấy một đảo đá "mọc" trên mặt nước có hình một ngón tay cái khổng lồ.

Tạo hoá đặt hòn Ngón ở đây dường như muốn nhắn gửi cho du khách muôn nơi về những điều tốt đẹp trong hành trình khám phá Hạ Long.

 

HÒN YÊN NGỰA

Vị trí: Nằm tại trung tâm khu Di sản thế giới vịnh Hạ Long.
Ðặc điểm: Dãy núi trông giống như một chiếc yên ngựa khổng lồ.

Tạo hoá thật khéo đẽo gọt tạo hình hài từ hai mố đá, một mố cao một mố thấp. Hai mố đá được liên kết thành một khối đồ sộ, nhưng phía trên võng xuống hình yên ngựa, phía dưới trống không để thuyền qua lại, hình dạng của đầu một chiếc máy khâu.

Một cái yên ngựa bằng đá bề thế nhưng rất mềm mại và duyên dáng, độ cao ước chừng hơn chục mét.

Nguồn: Tổng cục du lịch Việt Nam

 

HÒN TRỐNG MÁI

Vị trí: Hòn Trống Mái nằm ở phía tây nam vịnh Hạ Long, cách cảng tàu du lịch 5km.
Ðặc điểm: Ðảo giống như một đôi gà, một trống một mái. Là biểu tượng logo của vịnh Hạ Long.

Hòn Trống Mái nằm ở gần hòn Ðỉnh Hương. Giữa một vùng biển nước bao la, hai con gà một con trống và một con mái hiện lên ngạo nghễ trên mặt biển xanh. Lúc bình minh lên từ phía xa chiếu ánh sáng rực rỡ nhuộm đỏ đôi gà khổng lồ bên nhau trên sóng nước mênh mông. Từ mặt nước, chiều cao mỗi con tới hơn chục mét. Tấm thân khổng lồ đứng trên cái chân thót lại, thế chênh vênh tưởng chừng chỉ vài con sóng vỗ mạnh, cả khối đá nặng ấy có thể đổ ập xuống bất cứ lúc nào. Nhưng không, đã hàng triệu năm trôi qua, hai con gà vẫn thủy chung đứng đó. Dường như sự hấp dẫn được nhân lên ở đôi chân không cân đối đó.
Ðã có rất nhiều tác phẩm nhiếp ảnh, hội họa về hai con gà này. Hình ảnh của chúng đã trở thành biểu tượng của vịnh Hạ Long và Du lịch Việt Nam

Nguồn: Tổng cục du lịch Việt Nam

 

HÒN CHÓ ÐÁ

Vị trí: Gần hang Ðầu Gỗ về phía tây, thuộc vịnh Hạ Long.
Ðặc điểm: Giống hình một chú chó.

Cao khoảng 8m, giống như một con chó đá gác cổng khổng lồ. Chó đá là một hình ảnh rất quen thuộc của người Việt Nam

Ở tất cả các đền miếu thờ tự dân gian và cả ở hai bên cổng của các ngôi nhà cổ trước kia đều có những đôi chó đá, để báo tin vui khi có khách đến thăm và để gác cổng ngăn chặn các kẻ ác và tà khí xâm nhập.

Nguồn: Tổng cục du lịch Việt Nam

 

ÐẢO BỒ HÒN

Vị trí: Đảo Bồ Hòn nằm trong Vịnh Hạ Long, thuộc tỉnh Quảng Ninh.
Ðặc điểm: Ðảo này không những có phong cảnh tuyệt đẹp mà còn là một trong những dãy đảo lớn nhất vịnh Hạ Long, tập trung nhiều hang động nổi tiếng.

Tại đảo Bồ Hòn có nhiều hang động nổi tiếng như: động Sửng Sốt, hang Luồn, hồ Ðộng Tiên, hang Trinh Nữ, hang Trống... Nơi đây có những đỉnh núi cao, vách đá dựng đứng như bức tường thành, núi liền núi, vẽ lên mặt biển xanh một bức tranh thủy mặc khổng lồ tuyệt mỹ.
Người Pháp gọi đảo này là đảo Les surprises (đảo Sửng Sốt). Trên đảo là nơi sinh sống của rất nhiều loài thực vật như si, vạn tuế, phong lan... Ðộng vật có khỉ, hươu, sơn dương... Nhưng có lẽ đảo Bồ Hòn được nhiều người biết đến chính là nhờ hệ thống hang động ẩn chứa trong mình, mỗi hang mang một vẻ đẹp kỳ diệu riêng, đồng thời gắn liền với những câu chuyện truyền thuyết rất cảm động.

Nguồn: Tổng cục du lịch Việt Nam

 

HÒN THIÊN NGA

Vị trí: Nằm trong vịnh Bái Tử Long, gần đảo Cống Tây, Cống Ðông.
Ðặc điểm: Hình một con Thiên Nga đang bơi trên mặt nước.

Hòn Thiên Nga có hình dạng tuyệt đẹp và được coi là hòn núi có ấn tượng nhất. Hòn này gồm có ba vạt đá lớn nằm xếp chồng lên nhau với các mặt nứt xiên chéo. Ba khối đá này như đang trượt trên nhau. Chân núi thắt lại tưởng như khối đá cao 15m này sắp đổ sập xuống biển. Hai khối đá ở trên tạo thành hình cái đầu và cổ con Thiên Nga. Các khối đá lớn bên dưới tạo thành một cái thân Thiên Nga ung dung bơi trên mặt nước mà cái đuôi là các đám cây xanh bám đầy trên vách đá.
Ngay sát hòn này và xung quanh, có nhiều hòn đảo khác quây quần như đang chiêm ngưỡng cô nàng Thiên Nga duyên dáng. Các hòn núi đảo này có cùng một cấu trúc xếp trượt của các khối đá theo kiểu này, vì thế nơi này thường được dân chài gọi là bãi Xếp.

 

HÒN SOI SIM

Vị trí: Hòn Soi Sim nằm trong vịnh Hạ Long, cách cảng tàu du lịch Bãi Cháy 12km và đảo Ti Tốp 700m.
Ðặc điểm: Là một đảo đất có rừng nguyên sinh.

Hòn Soi Sim có hai đỉnh núi cao khoảng 100m, ở giữa võng xuống, sườn dốc thoải về phía tây nam. Trên núi là một khu rừng nguyên sinh với nhiều loài cây đặc biệt vì hòn đảo đã từ hàng trăm triệu năm nay bị biển vây quanh.

Trong năm du lịch Hạ Long 2003, vùng đảo này là một trong các điểm du lịch mới mẻ. Trong tương lai gần, Soi Sim sẽ trở thành một tổ hợp du lịch sinh thái, vui chơi, giải trí vô cùng hấp dẫn và bổ ích.

Nguồn: Tổng cục du lịch Việt Nam

 

ÐẢO QUAN LẠN

Vị trí: Đảo Quan Lạn cách thị xã Cẩm Phả 25km về phía đông nam, thuộc huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh.
Ðặc điểm: Ðảo là trung tâm thương mại quốc tế sầm uất và quan trọng nhất của Việt Nam vào thế kỷ 11. Trên đảo hiện còn rất nhiều di tích lịch sử và kiến trúc giá trị và những bãi tắm tuyệt đẹp.

Mặc dù xa cách đất liền nhưng những làng xóm dân cư trên đảo còn lưu giữ được rất nhiều phong tục tập quán cổ truyền với các công trình như đình, miếu, chùa, nghè, bến cảng cổ... Ðặc biệt, hội làng Quan Lạn diễn ra từ ngày 11-26 tháng 6 âm lịch hàng năm với tục đua thuyền rất đông vui độc đáo thu hút dân chúng từ đất liền và từ các đảo xa về tham dự. 
Ðến thăm đảo, các bạn sẽ thấy những bãi cát quý giá với các hạt cát to và trắng hơn cả các hạt đường kính, dùng để làm ra các đồ pha lê tinh khiết. Các bạn cũng có thể được xem người ta đi bắt sái sùng, một loài giun biển cũng trắng như tuyết, là món gia vị không thể thiếu được của các nồi nước dùng cho các món ãn nổi tiếng là phở, bún thang... Hiện nay đã có một số công ty du lịch sẵn sàng đón du khách ra đảo.

Bãi tắm Quan Lạn là một bãi biển đẹp, còn giữ nguyên được vẻ hoang sơ, môi trường sinh thái chưa bị ô nhiễm. Nước biển xanh ngắt, sóng to, cát trắng trải dài tới vài kilômét. Cách mép nước vài chục mét là những bãi dứa dại xanh ngút ngát làm cho bãi tắm dường như hoang sơ hơn.

Nguồn: Tổng cục du lịch Việt Na

 

HÒN XẾP

Vị trí: Hòn Xếp nằm trong vịnh Bái Tử Long, thuộc thị xã Cẩm Phả.
Ðặc điểm: Như một kim tự tháp Ai Cập với các phiến đá xếp chồng lên nhau.

Hòn Xếp là một khối đá to, vuông vức, nhiều lớp "xếp" chồng lên nhau thành lớp, thành hàng rất rõ ràng tựa một kim tự tháp ở Ai Cập được dựng lên giữa biển khơi.

Nguồn: Tổng cục du lịch Việt Nam

 

ĐẢO VÀ BÃI TẮM TI TỐP

Vị trí: Đảo Ti Tốp trên Vịnh Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.
Ðặc điểm: Hòn đảo này được Bác Hồ đặt theo tên của nhà du hành vũ trụ Giéc Man Ti Tốp người Nga, nhân dịp Bác cùng ông tới thăm vịnh Hạ Long vào năm 1962.

Hòn Ti Tốp nằm cách hang Bồ Nâu chừng 1km về phía bắc, là hòn núi có bờ dốc đứng, một bờ nghiêng với một bãi cát trắng, phẳng ngay dưới chân. Các tàu du lịch thường ghé vào đây. Du khách lên bờ để tắm biển hoặc leo lên một chiếc lầu ở lưng chừng và một chiếc khác ở trên đỉnh núi để ngắm cảnh từ trên cao. 
Bãi tắm Ti tốp có hình vầng trăng ôm trọn lấy chân đảo, bãi cát tuy nhỏ nhưng rất thoáng đãng và yên tĩnh, bốn mùa nước sạch và trong xanh. Hiện nay tại bãi tắm này đã có một quầy bar, có dịch vụ cho thuê áo tắm, phao bơi, tắm nước ngọt. Có dịch vụ cho thuê mô tô nước, dù bay. Nước ngọt được Ban Quản lý Vịnh cho vận chuyển từ đất liền ra. Bãi tắm này hiện đang thu hút rất nhiều khách ra tắm biển và thăm đảo.

Nguồn: Tổng cục du lịch Việt Nam

 

ĐẢO BA MÙN VÀ VƯỜN QUỐC GIA BÁI TỬ LONG

Vị trí: Thuộc địa phận xã Minh Châu, huyện Vân Đồn, nằm song song với đảo Quan Lạn, cách bờ khoảng 15km.
Đặc điểm: Trên đảo có vô vàn các loài thực vật quý hiếm như đinh, lim, sến, táu, vàng hương cùng nhiều loài cây cổ thụ khác, có những cây to ba bốn người ôm không xuể.

Là đảo phiến thạch duy nhất có rừng nguyên sinh của vịnh Hạ Long. Đảo còn có tên gọi khác là đảo Cao Lô, có diện tích khoảng 1800 ha với chiều dài hơn 20km, chiều ngang hẹp, chạy dài theo hướng đông tây. Ngọn núi cao nhất là núi Quít, đỉnh cao 397 m. Hệ động thực vật trên đảo rất phong phú và có nhiều loài quí hiếm.
Đảo Ba Mùn là đảo phiến thạch duy nhất có rừng nguyên sinh của vịnh Hạ Long. Đảo Ba Mùn là nơi còn bảo tồn được nhiều loài động vật quý hiếm như sơn dương, hươu, nai, khỉ, voọc cùng các loài chim biển, chim di cư... Ngày 24/01/1997 rừng Ba Mùn đã được công nhận là rừng quốc gia Bái Tử Long.

Nguồn: Tổng cục du lịch Việt Nam

 

ĐẢO VÀ BÃI TẮM TUẦN CHÂU

Vị trí: Đảo Tuần Châu cách cảng tàu du lịch Bãi Cháy 4km về phía tây nam, thuộc vịnh Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.
Ðặc điểm: Là một đảo đất rộng gần 3km2, gần bờ có làng mạc, dân cư thưa thớt.

Người ta cũng đã tìm được ở đây nhiều di chỉ khảo cổ thuộc nền văn hoá Hạ Long. Năm 2001, một con đường lớn đã được xây, nối đảo với đất liền. Bắt đầu từ đó, bộ mặt của Tuần Châu thay đổi theo từng ngày.
Hiện nay có một tổ hợp dịch vụ: vui chơi, biểu diễn hoành tráng vào loại nhất miền Bắc, một quần thể khách sạn, nhà hàng, bãi tắm sang trọng đã đưa vào phục vụ góp phần làm thay đổi bộ mặt của Hạ Long trong năm Du lịch 2003.
Bãi tắm Tuần Châu tắm đẹp nằm ở khu du lịch đảo Tuần Châu cách cảng tàu du lịch khoảng 8km, đây là một bãi tắm nhân tạo với thảm cát trải dài 2km. Có khu vui chơi giải trí, thể thao, và nhiều hoạt động du lịch.

Tới khu du lịch đảo Tuần Châu, sau khi tắm biển du khách có thể vãn cảnh, tham gia các hoạt động vui chơi giải trí, thể thao, như leo núi, cắm trại trên khu du du lịch sinh thái đồi thông hoặc nghỉ ngơi trong các nhà nghỉ từ sang trọng đến bình dân, xem biểu diễn của cá heo, sử tử biển, thăm công viên nhac nước…

Nguồn: Tổng cục du lịch Việt Nam

 

BÃI TẮM MINH CHÂU

Vị trí: Minh Châu cách bãi tắm Quan Lạn 15km, thuộc vịnh Bái Tử Long.
Đặc điểm: Minh Châu là một bãi biển đẹp nổi tiếng, cát ở đây trắng muốt, đi không dính chân.

Tại đây bạn có thể cắm trại ngủ qua đêm rất thú vị. Du khách đến bãi tắm Minh Châu có thể đi từ Cẩm Phả qua phà Tài Xá (gần đền Cửa Ông) đến thị trấn Cái Rồng (khoảng 9km).
Tàu ở cảng Cái Rồng đón bạn đi thẳng ra đảo Quan Lạn nơi có bãi tắm Minh Châu (thời gian tàu chạy khoảng 3 giờ, có dừng tại một số đảo để du khách ghé thăm). Tại đây du khách có thể vừa tắm biển lại có thể thưởng thức những hương vị đặc sản của biển khơi trong chuyến đi thú vị của mình.

Nguồn: Tổng cục du lịch Việt Nam

 

HÒN ĐỈNH HƯƠNG

Vị trí: Phía tây nam đảo Đầu Gỗ, tỉnh Quảng Ninh.
Đặc điểm: Như một chiếc Lư Hương khổng lồ.

Trong tour du lịch đi Thiên Cung - Đầu Gỗ - Ti Tốp, bạn sẽ thấy hòn Đỉnh Hương nằm phía tây nam đảo Đầu Gỗ.

Qua hòn Chó Đá và hòn Con Mèo, một phiến đá bề thế đứng trên hai cái chân rất mảnh mai chắn ngang hướng đi của bạn. Phiến đá có hình một lư hương khổng lồ đứng giữa biển khơi như một vật thiêng cúng tế trời đất.

Nguồn: Tổng cục du lịch Việt Nam

 

HÒN ĐŨA

Vị trí: Hòn Đũa nằm ở vịnh Bái Tử Long, cách núi Bài Thơ 7km về phía nam.
Đặc điểm: Như một chiếc đũa khổng lồ cắm giữa lòng biển.

Đây là một đảo đá giống như một chiếc đũa thần khổng lồ trong truyện cổ tích của An Đéc Xen được cắm xuống biển khơi. Một bằng chứng sinh động về giá trị địa chất, địa mạo đặc sắc của vịnh Hạ Long. 
Hòn Đũa không chỉ là một điểm tham quan hấp dẫn trên vịnh mà còn là vật định hướng cho tàu thuyền đi biển.

Nguồn: Tổng cục du lịch Việt Nam

 

HÒN MẶT QUỶ

Vị trí: Hòn Mặt Quỷ thuộc vịnh Bái Tử Long, cách hòn Ấm khoảng 20 phút tàu.
Đặc điểm: Như mặt một con quỷ.

Qua hòn Ấm khoảng 20 phút là đến hòn Mặt Quỉ. Độ cao chừng 30-35m, thế "mọc" thẳng giữa sóng nước của vịnh Bái Tử Long, đã được thiên nhiên gọt giũa thành mặt một con quỉ với sống mũi to, thô, gồ ghề, khuôn mặt biến dạng. Dưới góc độ nào nhìn hòn Mặt Quỉ cũng đều thấy khủng khiếp.

Nguồn: Tổng cục du lịch Việt Nam

 

HÒN OẢN

Vị trí: Đảo này nằm ngay sát bờ, cách núi Bài Thơ chỉ 300m, cách Cảng tàu du lịch khoảng 5km về phía đông, thuộc vịnh Hạ Long.
Đặc điểm: Đảo này cao tới 22m, là nơi được chọn làm bối cảnh cho phim L'indochine của hãng Paradis Film năm 1992.

Hòn đảo này cao 22m và có hình dạng bình thường nhưng các khách du lịch Pháp rất thích vì đây là nơi mà vào năm 1992, diễn viên nổi tiếng người Pháp Catherine Deneuve đã đến để đóng một số cảnh trong phim L’indochine (Đông Dương) do hãng Paradis Film sản xuất. Ở một góc đảo nhỏ vẫn còn giữ nguyên các bối cảnh được xây dựng cho phim như con đường đá ra biển được gọi là cầu tàu nô lệ, ngôi nhà của khu trại giam là nơi đôi tình nhân đã đau đớn chia tay. Ngồi từ nhà hàng nổi Biển Mơ, có thể nhìn thấy đảo này rất gần.

Nguồn: Tổng cục du lịch Việt Nam

 

HÒN SƯ TỬ BIỂN

Vị trí: Nằm trong vịnh Hạ Long, cách cảng tàu du lịch Bãi Cháy 10 phút tàu, trên đường đi động Thiên Cung, hang Đầu Gỗ.
Đặc điểm: Như một chú Sư tử trên biển.

Hòn Sư Tử Biển (hòn Hải Cẩu), nằm trên đường canô đưa khách đi động Thiên Cung, hang Đầu Gỗ, cách cảng tàu du lịch Bãi Cháy khoảng 10 phút chạy tàu.

Giữa sóng nước mênh mông của biển Hạ Long, bạn sẽ nhận thấy một hòn đảo đá cao sừng sững mang dáng dấp một con sư tử đang vươn mình.

Nguồn: Tổng cục du lịch Việt Nam

Danh sách khách sạn

KHÁCH SẠN KIM XUYẾN SẦM SƠN

News image

 Khách sạn Sầm Sơn – Kim Xuyến được xây dựng hoàn toàn mới và được đưa vào sử dụng phục vụ quý khách du lịch từ tháng 4 ...

Xem tiếp

KHÁCH SẠN HUY HOÀNG SẦM SƠN

News image

Địa chỉ: Số 16 Đường Tống Duy Tân, Bãi Tắm C, P.Bắc Sơn – Sầm Sơn  Khách sạn Huy Hoàng cách biển 30 m bao gồm 5 tầng với tổng số 30...

Xem tiếp

Vanchai Resort - Sầm Sơn Thanh Hóa

News image

  Thư ngỏ Chào mừng Quý khách đến với Vạn Chài Resort, một thiên đường thanh bình nằm trên bãi biển Sầm Sơn. Vạn Chài Resort mang nét ...

Xem tiếp
Địa danh du lịch

Nghệ An

Quảng Ninh

Gia Lai

Phan Thiết

Bình Định

Hà Tỉnh

Vĩnh Phúc

Đồng Tháp

Quảng Ngãi

Bình Dương

Đồng Nai

Bạc Liêu

Nha Trang

Hải Phòng

An Giang

Thừa Thiên Huế

Bình Phước

Phú Yên

Cà Mau

Sóc Trăng

Thanh Hóa

Quảng Bình

Ninh Bình

Điện Biên

Móng Cái

Quảng Nam

Bắc Giang

Đà Nẵng

Bắc Ninh

Lào Cai

Hà Giang

Ninh Thuận

Bình Thuận

Khánh Hòa

Vĩnh Long

Tây Nguyên

Vĩnh Long

Nam Định

Lâm Đồng

Hải Nam

Hưng Yên

Hải Dương