video

Hỗ trợ trực tuyến


 ĐIỀU HÀNH TOUR

KIM DUNG

0976955076



Dịch vụ khác

CÔNG TY DU LỊCH HÀM RỒNG -: 0976 955076

Chương trình kích cầu du lịch 2016

Để đáp ứng nhu cầu của du khách, HamRongTour phối hợp cùng các nhà cung cấp dịch vụ thực hiện chương trình “kích cầu nội địa”, giảm giá tour nội địa nhằm đưa du khách đến nhiều danh thắng trong nước và Quốc tế.

Tin tức Hamrongtour

Ninh Bình

Phủ Khống là điểm du lịch nằm trong Khu du lịch sinh thái Tràng An. Phủ Khống được dựng gần cửa Hang Khống, hướng về phía thung Khống.

Đây là di tích thờ vị quan đầu triều của nhà Đinh (không rõ tên húy), hiệu vị là Đinh Công tiết chế. Theo truyền thuyết, khi Vua Đinh và con trai trưởng là Đinh Liễn bị sát hại, Đinh Toàn lên ngôi Hoàng đế khi mới 6 tuổi. Trước nguy cơ xâm lược của nhà Tống, Thái hậu Dương Vân Nga đã trao áo long bào cho Thập Đạo Tướng quân Lê Hoàn, Lê Hoàn lên ngôi Hoàng đế. Một số vị quan triều Đinh không khuất phục, đem quân chống lại Lê Hoàn. Đinh Công tiết chế bị giam lỏng (Khống chế) ở khu vực này (Phủ Khống ngày nay). Khi nghe tin các cánh quân chống lại Lê Hoàn đều bị thất bại, các viên quan bị bắt và bị sát hại, Đinh Công tiết chế đã tuẫn tiết. Nhân dân đã lập đền thờ ngài trên vị trí ngài bị giam lỏng.

alt

Cây thị nghìn năm tuổi.

Phía trước Phủ Khống có cây thị cổ thụ. Trên bành rễ của cây thị có ban thờ thờ 7 vị công thần trung thành của Triều đình. Theo truyền thuyết, 7 vị công thần lãnh việc mai táng thi hài Vua Đinh Tiên Hoàng, sau đó để bảo mật nơi an táng thi hài, cả 7 vị công thần và đoàn tùy tùng đã tự sát. Đinh Công tiết chế đã lập ban thờ để thờ, bên cạnh cho trồng cây thị. Qua 1.000 năm, cây thị vẫn sống và đặc biệt là trên cây thị này vẫn cho 2 loại quả: 1 loại quả tròn và một loại quả dẹt.

Phủ Đột là điểm di tích nằm trong Khu du lịch sinh thái Tràng An. Đây là nơi thờ hai vị tướng của Triều đình là Nhị vị Thánh Tiền gồm Tả Thanh Trù và Hữu Thanh Trù - hai vị tướng được cử trông coi khu vực phía Đông nam kinh thành Hoa Lư, khi trong triều xảy ra loạn, vua Đinh Tiên Hoàng và con trai trưởng Đinh Liễn bị Đỗ Thích giết hại, hai ông đã đưa ấu chúa Đinh Toàn (mới 6 tuổi) đi trốn rồi cùng các vị quan trong triều truy bắt khép tội Đỗ Thích.

Phủ Đột điểm du lịch Ninh Bình

Khi Thái hậu Dương Vân Nga trao mũ áo long bào cho Thập đạo tướng quân Lê Hoàn, hai ông đã không khuất phục và tuẫn tiết tại khu vực này, nhân dân đã xây dựng ngôi Phủ bên sườn núi để thờ hai ông.

Năm 2010, nhân dân địa phương đã xây dựng thêm ở đây một đơn nguyên kiến trúc thờ “Tứ trụ triều đình” của Nhà Đinh là Định quốc công Nguyễn Bặc, Thái sư Trịnh Tú, Đại tư đồ Đinh Điền, Đô hộ phủ sĩ sư Lưu Cơ. Đền được xây dựng bên cạnh Phủ, về phía Đông nam, gồm 2 tòa: Tiền bái và hậu cung. Tòa hậu cung có tượng thờ “Tứ trụ triều đình” của nhà Đinh.

Đến đồi Dù Resort

Nằm cận kề với khu Liên hiệp thể thao sân gôn 54 lỗ Hồ Yên Thắng,  Khu Đồi Dù Resort đang là điểm du lịch phù hợp cho nghỉ dưỡng cuối tuần trên vùng đất đồi Tam Điệp.
Khu Đồi Dù Resort có diện tích trên 1 ha, được đầu tư xây dựng từ năm 2007, với tổng kinh phí trên 40 tỷ đồng, bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 2010. Hiện tại, Khu gồm có các dịch vụ nghỉ dưỡng, ẩm thực, câu cá và sẽ cung cấp thêm nhiều dịch vụ cao cấp khác trong thời gian tới. Khu vực nghỉ ngơi được bố trí xây dựng trên triền đồi, có phòng đơn, phòng đôi thoáng đãng, với đầy đủ tiện nghi, trang thiết bị hiện đại.

Khu Đồi Dù Resort tọa lạc ven hồ Yên Thắng mênh mông sóng nước, có đồi cây xanh mướt, mát dịu, tạo cho du khách cảm giác thoải mái, thư giãn. Trong khu có nhiều nhà lá được tạo dựng hợp lý, đẹp mắt, lãng mạn để có thể ngồi thưởng thức ẩm thực và ngắm cảnh hồ khi bình minh lên hoặc hoàng hôn buông xuống. Thời gian qua, khu Đồi Dù Resort thu hút nhiều du khách trong và ngoài tỉnh về nghỉ ngơi, thư giãn với thú vui câu cá, nhất là trong các dịp lễ, Tết.

Mặc dù còn mới mẻ, nhưng Đồi Dù Resort chắc sẽ hấp dẫn du khách bởi chính vẻ đẹp hoang sơ mà gần gũi.

Đền thờ Trương Hán Siêu

Đền thờ danh nhân văn hóa Trương Hán Siêu nằm trên địa bàn phường Thanh Bình (thành phố Ninh Bình). Đền được xây dựng cạnh chân núi Non Nước nơi ngã ba sông Đáy và sông Vân

Đền thờ Trương Hán Siêu được xây dựng năm 1998, gồm 3 gian bái đường và 2 gian hậu cung. Trước cửa đền có bức đại tự viết bằng chữ Hán “Trương Thăng Phủ Từ”. Ngôi đền là một công trình văn hóa thể hiện lòng tôn kính, niềm tự hào của nhân dân Ninh Bình đối với danh nhân văn hóa Trương Hán Siêu.


Trương Hán Siêu là người có tài văn, võ. Ông từng là môn khách của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, sau làm quan ở các triều vua từ Trần Anh Tông đến Trần Dụ Tông, được các vua Trần tôn kính gọi bằng “thầy”. Trương Hán Siêu cùng với Nguyễn Trung Ngạn đã soạn ra Bộ Luật “Hình thư” và sách “Hoàng triều đại điển”, đặt nền tảng cho chế độ phong kiến Việt Nam vận hành theo pháp luật.

alt

Đền thờ Trương Hán Siêu

Đền thờ danh nhân văn hóa Trương Hán Siêu là điểm sinh hoạt tâm linh của đông đảo nhân dân địa phương và du khách thập phương.

Nhân dịp kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh và 5 năm thành lập thành phố Ninh Bình, nhân dân trong tỉnh, khách thập phương xa, gần và con cháu dòng họ Trương trong cả nước đã đóng góp kinh phí cùng thành phố tu sửa khuôn viên đền và đúc tượng thờ Danh nhân văn hóa Trương Hán Siêu. Bức tượng được đúc bằng đồng với tỷ lệ 1/1, đặt ngồi trên bệ trong trang phục triều Trần, được đưa vào thờ tự tại Đền Trương Thăng Phủ.

Khu du lịch sinh thái Tràng An có tổng diện tích 3.177,2 ha, nằm trên địa bàn tám xã, phường thuộc các huyện Hoa Lư, Gia Viễn và thành phố Ninh Bình.

Hấp dẫn khu du lịch sinh thái Tràng An

Khu du lịch sinh thái Tràng An gồm bốn phần chính đó là khu Bảo tồn đặc biệt Cố đô Hoa Lư, khu trung tâm, khu văn hóa tâm linh núi chùa Bái Ðính và khu du lịch sinh thái hang động Tràng An.

Một vùng sinh thái quyến rũ

Khu du lịch hang động Tràng An nằm trong địa bàn huyện Gia Viễn và Hoa Lư có diện tích 966,4 ha. Theo thống kê chưa đầy đủ, tại đây có 500 loài thực vật, 73 loài chim, 41 loài thú, 32 loài bò sát sinh sống. Hiện nay, số hang xuyên thủy được ngành văn hóa tỉnh khảo sát có 48 hang xen lẫn 31 thung đẹp cùng nhiều cổ vật di tích lịch sử, di chỉ khảo cổ. Nơi đây hiện vẫn còn dấu ấn người tiền sử cách chúng ta ngày nay từ 5.000 đến 300 triệu năm. Các nhà khảo cổ và địa chất khẳng định quần thể danh thắng Tràng An - Hoa Lư xưa là một vùng biển cổ, cách đây khoảng 250 triệu đến 300 triệu năm.

alt

Danh thắng Tràng An

Khu du lịch sinh thái hang động Tràng An gắn liền với khu di tích Cố đô Hoa Lư. Năm 968, Ðinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế và chọn Hoa Lư là vùng núi non hiểm trở để làm kinh đô. Tại nơi này, ông xây cung điện, đặt triều nghi, đắp thành, đào hào, dựa vào thế núi để phòng ngự, biến núi thành pháo đài hiểm trở, biệt lập với bên ngoài. Khi xây dựng tường thành, Vua Ðinh Tiên Hoàng đã khai thác lợi thế thiên nhiên để phục vụ con người, ông nối những dãy núi đá vôi với nhau bằng các tường thành nhân tạo để dựng lên một kinh đô vững chãi, độc đáo.

Khu du lịch hang động Tràng An thuộc dãy núi Thành Trì Thiên Tạo của kinh đô Hoa Lư xưa. Chung quanh nơi đây, núi bao bọc bốn phía, ẩn dưới mỗi ngọn núi là những hang động, điều kỳ diệu ở đây là các hang động được thông với nhau bởi các thung nước hết sức hiểm trở tạo nên một kinh đô Hoa Lư với thế phòng thủ vững chắc. Những ngọn núi cao chót vót chính là đài quan sát, cũng là tường thành bảo vệ kinh đô. Thời gian có thể làm hủy hoại những công trình kiến trúc nhân tạo, nhưng tường thành núi đá vẫn mãi mãi tồn tại, chính vì thế kinh đô Hoa Lư còn được gọi là "Kinh đô Ðá".

Nhiều nhà khảo cổ khi đến khu sinh thái hang động Tràng An đã ví đây là một "bảo tàng địa chất ngoài trời" bởi toàn bộ khu vực Tràng An được các dãy núi đá vôi hình cánh cung bao bọc giữa vùng chiêm trũng ngập nước. Những khe nứt từ các dãy núi đá vôi thể hiện sự vận động địa chất tạo ra các dòng chảy trong hang động.

Dưới chân núi đá vôi, nhiều nơi còn có các hàm ếch, đó chính là dấu tích của biển tiến, thoái. Theo các nhà khoa học, hang động các-tơ nổi tiếng của vùng núi đá vôi Hoa Lư - Ninh Bình và phụ cận có cách đây bốn nghìn năm là một "Hạ Long trên cạn" ngày nay. Ðặc sắc nhất trong hệ thống hang động là loại hang nước nằm ngang, xuyên qua lòng các dãy núi lớn, ngập nước thường xuyên. Những hang, động này chuyển tải nước đối lưu chảy thông giữa các khe núi thành một dòng nối liền giữa các thung với nhau.

Ðiểm du lịch hấp dẫn

Hoa Lư - Tam Cốc - Bích Ðộng, một bộ phận quan trọng của Di sản Cố đô Hoa Lư, với đền thờ Vua Ðinh Tiên Hoàng và Lê Hoàn cùng khu du lịch sinh thái Tràng An, là điểm đến quan trọng trong hệ thống các khu du lịch quốc gia. Theo quy hoạch, khu du lịch sinh thái hang động Tràng An có chín tuyến du lịch đường thủy và hai tuyến du lịch đường bộ.

Các tuyến đường bộ với chiều dài 1,6 km leo qua ba quèn, vào đền Trần (hay còn gọi là đền Nội Lâm), khởi đầu  từ bến Cây Bàng. Ðây là tuyến du lịch leo núi thú vị qua ba đèo liền nhau. Hiện nay đường leo núi được xây các bậc đá rộng. Trên đường đến đền Trần (thờ Quý Minh Ðại Vương - đời Vua Hùng thứ 18) đã dựng bảy chiếc lầu bằng gỗ lim hình bát giác làm nơi nghỉ chân cho du khách khi leo núi. Các tuyến du lịch đường thủy kết hợp leo núi du ngoạn bằng thuyền qua 13 hang và thung nước đến các điểm di tích lịch sử theo lộ trình khép kín.

Từ năm 2007 đến nay, tỉnh Ninh Bình đã xây dựng nhiều dự án và doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường trực tiếp là đơn vị thi công các hạng mục khu du lịch. Theo ông Nguyễn Văn Son, người gắn bó với khu vực Tràng An gần 50 năm qua, tại đây còn có khoảng ba mươi hang động xuyên thủy chưa được nạo vét để phục vụ hoạt động du lịch. Tuy nhiên, từ năm 2009 đến nay lượng du khách về khu du lịch Bái Ðính - Tràng An không ngừng tăng lên. Năm 2009, hơn một triệu lượt du khách trong nước và quốc tế đến tham quan du lịch. Năm 2011, số du khách tới Ninh Bình đạt mức hơn ba triệu lượt người. Hàng chục nghìn lao động tại các huyện Gia Viễn, Hoa Lư và thành phố Ninh Bình được tạo việc làm, tham gia vào các dịch vụ du lịch như chở đò, hàng ăn, nhà nghỉ... Nhờ phát triển du lịch, nhiều vùng đất được đánh thức tiềm năng trồng cây nông sản, sản xuất nấm các loại, làm nghề truyền thống: thêu ren, gốm, đá mỹ nghệ, v.v. Du lịch Ninh Bình với điểm nhấn Bái Ðính - Tràng An, Cố đô Hoa Lư, Tam Cốc - Bích Ðộng đã và đang trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.

Sức hút Cồn Nổi

Nằm trong vùng sinh thái liên tỉnh đồng bằng sông Hồng, lại có đường giao thông ven biển chạy qua, Cồn Nổi sẵn có tiềm năng, hoàn toàn khả thi thành một bãi tắm lý tưởng trong tương lai không xa.

Hoang sơ, quyến rũ

Sẽ là không tưởng khi chúng ta chưa thực sự đặt chân đến Cồn Nổi. Để xóa đi hoài nghi của nhiều người rằng Cồn Nổi không thể trở thành một khu du lịch được, bởi dễ bị nước biển dâng ngập, các nhà nghiên cứu khoa học khẳng định, tại đây loài hoa muống biển sinh sống đồng nghĩa với sự kiến tạo địa chất, địa mạo đã hoàn toàn ổn định. Tuy nhiên, muốn đến được với Cồn Nổi hiện còn khá khó khăn, vì sự hoang sơ của nó.

Cồn Nổi cách bờ biển Kim Sơn khoảng 5 km. Gần đây, nhờ sự quan tâm của Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, chúng tôi gồm các nhà báo tỉnh may mắn có một chuyến thực mục sở thị về Cồn Nổi đầy thú vị. 8 giờ sáng, con tàu đưa chúng tôi rời cảng tàu tiến về phía Cồn Nổi. Không gian khoáng đạt, hương vị mặn mòi của biển cả quyện chặt vào từng câu chuyện mỗi lúc thêm thân tình giữa chúng tôi và các chiến sỹ biên phòng. Ai cũng háo hức, chộn rộn vì lần đầu tiên đến với Cồn Nổi, một số dường như thấy tiếc bởi Cồn Nổi "tuy gần nhưng lại xa", sao mình lại không biết. Những tầm mắt đau đáu hướng về phía trước để nhìn thấy Cồn từ xa. Không mất nhiều thời gian đợi chờ, chỉ sau mấy chục phút đồng hồ, Cồn Nổi đã xa mờ, ẩn hiện trước mắt chúng tôi. Giữa mênh mông sóng nước, Cồn Nổi hiện lên ngút tầm mắt. Vì triền cát bồi lắng, chúng tôi phải xuống tàu đi xuồng máy vào Cồn. Lại gần, Cồn thật đẹp, lãng mạn đến nao lòng. Diện tích nổi của Cồn chừng trên 500 ha. Cồn có bờ bãi rộng, độ thoải nông, cát vàng sạch mịn. Từng đợt sóng nối đuôi nhau xô bờ. Nước biển trong xanh, môi trường, không khí trong lành ở Cồn thực sự đã làm cho tinh thần của chúng tôi thư thái, thoải mái. Chúng tôi sải bước trên Cồn, ngỡ ngàng như nhà thám hiểm đặt những dấu chân đầu tiên trên cát, vừa trầm tư nghe biển gọi, nghe tiếng sóng vỗ về và chứng kiến hoạt động khai thác, nuôi trồng thủy sản của ngư dân. Loài sinh vật đặc trưng và chiếm ưu thế ở đây là muống biển.


alt

Khảo sát bãi biển Cồn Nổi

Hành trình cho "điểm đến"

Du lịch trên miền đất bồi Kim Sơn, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng quần thể thánh đường độc nhất vô nhị - Nhà thờ đá Phát Diệm, với sự độc đáo, tinh tuý trong kiến trúc đình chùa phương Đông và kiến trúc gô tích phương Tây, mà còn được thưởng ngoạn thắng cảnh hữu tình do nhiên nhiên ban tặng cho vùng đất này. Kim Sơn có gần 18 km bờ biển, tạo nên một vùng ven sinh thái rộng lớn, trù phú, sinh động với diện tích trên 105 nghìn ha. Đây là nơi sinh sống của khoảng 500 loài động, thực vật thuỷ sinh, hơn 50 loài cây ngập mặn trên các bãi bồi cửa sông, 200 loài chim, trong đó có nhiều loài quý hiếm đã được ghi vào sách đỏ thế giới, cú những cánh rừng ngập mặn trải ngút ngàn, rộng hàng nghìn ha, những đầm lầy mặn, bãi bồi, cửa sông… Hệ sinh thái, đa dạng sinh học này đã đưa vùng ven biển Kim Sơn trở thành bộ phận quan trọng, là vùng đệm và vùng chuyển tiếp của khu dự trữ sinh quyển thế giới đất ngập nước ven biển liên tỉnh châu thổ sông Hồng, đã được UNESCO công nhận, thuận lợi và phù hợp cho loại hình du lịch nghiên cứu khoa học, du lịch sinh thái. Cồn Nổi gắn kết chuỗi trong hệ sinh thái này, nếu được khai thác sẽ là một mắt xích và là điểm chốt trong quần thể du lịch, cùng với nuôi trồng thủy sản tạo thành thế mạnh kinh tế biển, kinh tế du lịch cho Kim Sơn, tiếp nối cái thủa doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ đi mở cõi, khai hoang, lấn biển

Trong hoạch định chính sách cũng như tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, tỉnh đã rất quan tâm đẩy mạnh phát triển kinh tế du lịch, trong đó có Cồn Nổi và được cụ thể hóa ở Nghị quyết 15 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIX), ở chủ trương lập dự án đầu tư tại khu vực Cồn Nổi trong thời gian qua. Đối với Kim Sơn, huyện xác định phát triển kinh tế biển và kinh tế du lịch là trọng tâm, do vậy đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về đẩy mạnh phát triển kinh tế biển gắn với du lịch, trong đó phấn đấu đưa Cồn Nổi thành "điểm đến" của du khách. Theo chủ trương đã được tỉnh đồng ý, Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường làm chủ đầu tư đang xây dựng dự án khu du lịch sinh thái biển, kết hợp vui chơi, nghỉ dưỡng Cồn Nổi. Theo đó, khu vực bãi bồi, Cồn Nổi ven biển Kim Sơn sẽ được xây dựng thành một khu du lịch sinh thái biển có tầm cỡ quốc gia, quốc tế với tổng hợp tất cả các loại hình du lịch mà đặc trưng cơ bản là lịch sử, văn hóa, tâm linh, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng. Dự án sẽ xây dựng đền thờ Lạc Long Quân tại Cồn Nổi và đền thờ Âu Cơ tại rừng Quốc gia Cúc Phương, thu hút khách thập phương tìm về cội nguồn lịch sử với truyền thuyết Âu Cơ - Lạc Long Quân và khai thác các điểm du lịch lân cận để tạo sức hấp dẫn tổng thể vùng, đảm bảo cân bằng giữa việc bảo tồn và khai thác các giá trị của hệ thống tài nguyên du lịch, kết hợp lợi ích của dân cư địa phương, phù hợp với nhu cầu thị trường khách du lịch. Tổng diện tích của dự án trên 4.155 ha. Tại bãi Cồn Nổi sẽ xây dựng các khách sạn, biệt thự cao cấp, khu vui chơi giải trí, các công trình hạ tầng kỹ thuật, hệ thống cây xanh; xây dựng khu tâm linh đền thờ thần biển; khu trồng rừng ngập mặn chắn sóng; khu bãi tắm, thể thao lướt ván, lượn dù, khu du thuyền, ngắm cảnh, vui chơi trên biển; hệ thống giao thông, điện, nước. Dự án dự kiến hoàn thành vào năm 2021.

Tam Cốc

Tam Cốc nghĩa là Ba hang còn có tên Xuyên Thuỷ động nằm ở xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Xa xưa vùng này là biển cả sóng vỗ qua nhiều thế kỷ bào mòn vào vách đá tạo nên những hình thù kỳ lạ. Du khách đi thăm Tam Cốc chỉ có 1 con đường thuỷ duy nhất vào ra mất khoảng 3 tiếng đồng hồ.

Ngồi trên những chiếc thuyền nan, lướt nhẹ trên dòng sông Ngô Đồng trong không gian tĩnh lặng, du khách có thể cảm nhận rõ cái trong trẻo của không gian nơi đây, không tiếng còi xe, tiếng máy nổ, không có những chùm âm thanh tạp nham nơi phố thị, chỉ có tiếng mái chèo nhè nhẹ, ràn rạt, tiếng gió vi vu vuốt qua những cung đàn đá, tiếng chim lảnh lót buông từng nốt nhạc trong không gian và tiếng những giọt nước tong tong nhỏ như cách giữ nhịp thời gian của đá núi.

Theo nhịp mái thuyền, du khách sẽ được đắm mình trong màu xanh của những cánh đồng lúa trải dài dọc hai bờ sông Ngô Đồng với những dãy núi trùng điệp. Hang Cả là hang lớn nhất và cũng là hang đẹp nhất của Xuyên Thuỷ động, với chiều dài 127m, nằm dưới một quả núi lớn vắt ngang qua hai dãy núi lớn hai bên sông Ngô Đồng. Khi thuyền vào trong hang, du khách sẽ cảm thấy mát lạnh và không khỏi ngạc nhiên trước những dải nhũ đá buông xuống... thuyền đưa du khách ra ngoài cửa hang tiếp tục cuộc hành trình xuyên thuỷ tới thăm hang hai và hang ba.

alt

Cũng gần giống như trong hang Cả nhưng hai hang này ngắn và thấp hơn. Nếu thuyền du khách đi đầu tiên vào đây, khi mặt nước chưa bị các mái chèo khua động, nhìn dưới dòng sông, nước in hình những đám mây đá tuyệt đẹp. Du khách có cảm giác rằng trong hang chỉ toàn dành riêng cho nước và mây. Với những du khách ưa thích mạo hiểm có thể xuôi thuyền tiếp tục trên sông trên 2km nữa tới thăm suối Tiên. Suối Tiên với dòng nước trong vắt có thể nhìn thấy từng đàn cá bơi lượn trong các lớp rong rêu ở phía dưới. Theo truyền thuyết, nơi đây xưa kia Tiên thường xuống tắm nên mới gọi là suối Tiên...

Trên đường ra, thuyền đưa du khách tới bến Thánh, đi bộ khoảng 50m du khách sẽ gặp động Thiên Hương có chiều cao trên 60m. ở phía sau động này có lối lên thẳng đỉnh núi - đường lên trời. Đi bộ tiếp 50m nữa là đền Thái Vi, được xây dựng vào thế kỷ 13 là nơi thờ vua Trần Thái Tông (vị vua đầu tiên của nhà Trần). Đền Thái Vi được xây dựng theo kiểu “nội công ngoại quốc”. Trước đền có giêng Ngọc xây bằng đá xanh, sau đền là dãy núi đá Cấm Sơn đứng sừng sững. Đền Thái Vi là một tác phẩm nghệ thuật của con người hoà nhập với kiệt tác của thiên nhiên kỳ thú.

Rời bến thuyền Đình Các gần 3km nữa, du khách tiếp tục tới thăm chùa Bích Động, một trong những thắng cảnh nổi tiếng được mệnh danh là “Nam thiên đệ nhị Động”. Chùa Bích Động là một công trình kiến trúc cổ, mái cong lượn, dáng nét trang nghiêm được xây cất ở trên sườn núi cao, dựa vào thế núi. Du khách sẽ được hướng dẫn vào thăm động tối, thâm nghiêm và tĩnh mịch... thiên nhiên đã miệt mài bao thế kỷ để tạo nên muôn vàn các “tượng đá”. Không xa chùa Bích Động là động Tiên đẹp mê hồn nằm bên sườn một quả núi hùng vĩ tiếp tục với bao điều ngạc nhiên cho khách. Núi, động và chùa ở đây đã tạo nên một sự hài hoà và có sức thu hút kỳ lạ đến từng du khách. Bích Động là cả một cái đẹp hoàn hảo và vĩnh hằng.

Chùa Bích Động

Chùa Bích Động xây dựng trên sườn núi Bích Động thuộc thôn Đàm Khê, xã Ninh Haỉ, huyện Hoa Lư. Bích Động là một trong những thắng cảnh nổi tiếng nhất của tỉnh Ninh Bình được mệnh danh là "Nam Thiên đệ nhị động", có nghĩa là động đẹp thứ nhì của trời Nam, sau động Hương Tích ở Hà Tây.

Năm 1705, có hai vị hoà thượng, pháp danh là Trí Kiên và Trí Thể, một người quê ở Đông xuyên, thuộc huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định gặp nhau kết nghĩa làm anh em. Hai nhà sư đều có lòng mộ đạo, muốn đi nhiều nơi để truyền bá đạo Phật và xây dựng các ngôi chùa. Đến đây, thấy núi Bích Động có địa thế tuyệt đẹp và đã có chùa, nên hai nhà sư quyết định dừng chân, tự mình sửa sang chùa cũ, đi quyên giáo xây dựng lại thành 3 ngôi chùa: Hạ, Trung và Thượng để tu hành. Năm Đinh hợi (1707), hai nhà sư Trí Kiên và Trí Thể đã đúc một quả chuông lớn, hiện còn treo ở Động Tối.

Khoảng năm Giáp Ngọ (1774), Tĩnh Đô Vương Trịnh Sâm (1767 - 1782) đã đến thăm chùa và đặt tên cho chùa Bích Động. Bích Động có nghĩa là động Xanh. Cõ lẽ khi chúa Trịnh Sâm đến đây, nhìn toàn cảnh núi, động , sông nước, đồng ruộng, cây cối đều xanh tươi, chùa như hội tụ nền xanh nên phải là Động Xanh, cái tên rất đẹp và mộng mơ. Chùa Bích Động là một công trình kiến trúc cổ nên cũng như những ngôi chùa khác được xây dựng bằng gỗ lim, mái lợp bằng ngói ta không có mấu, mũi lượn tròn, các góc của mái đều có đầu đao cong vút lên như hình lưỡi đao ,hoặc như hình cái đuôi con chim phượng, làm cho mái uốn lượn, uyển chuyển như sóng nước thuỷ triều, nhìn bán diện như hình một chiếc thuyền rồng ngoạn mục trôi trên nước hoặc như hai cánh chim đang dang rộng bay lên.

Nhưng chùa Bích Động lại xây dựng theo kiểu chữ "Tam" Hán tự, ba toà không liền nhau, tam cấp dọc theo sườn núi, dựa vào thế núi từ thấp lên cao thành 3 ngôi chùa riêng biệt: Hạ, Trung và Thượng.

Điều độc đáo của chùa Bích Động là núi, động và chùa bổ sung cho nhau, lại ẩn hiện giữa những cây đại thụ xanh biếc, làm cho chùa hoà nhập với cảnh trí thiên nhiên ngoại mục. Toàn cảnh như một bức tranh núi rừng hùng tráng, dát lên một phù điêu gồm 3 ngôi chùa cổ kính, mái ngói rêu phong, có đủ 8 cảnh đẹp mà người xưa đã gọi là ''Bích sơn bát cảnh'', ba chùa lại được xây trên sườn núi cao, dưới gầm lại có động Xuyên Thuỷ.

Chùa Hạ có 5 gian xây trên một nền cao dưới chân núi. Trong chùa thờ phật, kiến trúc chùa theo kiểu chữ Đinh. Vì kèo, xà ngang, xà dọc cũng bằng gỗ lim. Mái chùa là hai tầng mái uốn cong, gồm 8 mái. Các cột đá ở chùa hạ đều bằng đá liền một khối, không chắp nối, cao hơn 4m, làm được những cột đá thư thế là một kỳ công.

Sau khi tham quan chùa hạ, trở ra sân quay về hướng Bắc, bước khoảng 80 bậc đá men quanh sườn núi, tới lưng chừng núi là đến chùa Trung, kiến trúc bán mái phía ngoài. Đây là một chùa rất độc đáo, ít nơi có được, một nửa gắn vào hang động, một nửa lộ thiên, chùa có 3 gian thờ phật. Lễ Phật xong ở Thượng điện, bước lên 21 bậc đá là đến Động tối. Đây là động chính, thâm nghiêm, tĩnh mịch, thiên nhiên đã miệt mài bao đời chau chuốt tỉ mỉ vô cùng tinh tế sắc sảo đến từng chi tiết nhỏ để tạo nên những ông tiên, cô tiên, tiểu đồng, rồng lượn, rùa bơi, voi chầu, hổ phục...

Lên chùa Thượng, du khách phải bước tới gần 40 bậc đá theo sườn núi. Chùa Thượng còn gọi là chùa Đông, chùa thờ phật bà Quan Âm . Đây là ngôi chùa nằm ở vị trí cao nhất, gần đỉnh núi Bích Động. 
Bích động quả là một ngôi chùa độc nhất vô nhị ở Việt Nam, không nơi nào có thế đất, thế núi như vậy.

Khu bảo tồn thiên nhiên Vân Long

Vân Long là miền đất huyền thoại, một vùng du lịch tuyệt đẹp, đồng thời là khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước lớn nhất đồng bằng Bắc bộ. Non nước Vân Long có diện tích trên 3.000 ha, nằm trên địa phận 7 xã thuộc huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình
Trong khu rừng Vân Long có 457 loài thực vật bậc cao. Đặc biệt có 8 loài được ghi trong sách Đỏ Việt Nam: kiêng, lát hoa, Tuế lá rộng, Cốt Toái Bổi, Sắng, Bách Bộ, Mã Tiền hoa tán. Về động vật có 39 loài, có 12 loài động vật quý hiếm như: Voọc quần đùi trắng chiếm số lượng lớn nhất ở Việt Nam, gấu ngựa, sơn dương, cu li lớn, khỉ mặt đỏ.... trong các đông vật bò sát có chín loài được ghi trong sách Đỏ Việt Nam như: rắn hổ chúa, kỳ đà hoa, trăn đất, rắn ráo trâu, tắc kè....

Điều đáng chú ý là tại khu vực ngập nước Vân Long có loài cà cuống thuộc chân bơi, một loài côn trùng quý hiếm đã được đưa vào sách Đỏ.

Không chỉ là khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước, Vân Long còn là nơi có cảnh quan và di tích văn hoá.

Đứng trên mặt đê, du khách thấy mặt nước là một không gian rộng lớn. Nhìn xa các dẫy nuí sừng sững tạo thành một bức tường thành thiên nhiên hùng vĩ. Một cảnh núi ẩn mây trời, mây che ấp núi. Nước ở đây mênh mông phẳng lặng, không có sóng to gió lớn, mang phong cảnh một miền quê yên ả của hương đồng gió nội hiền hoà.

alt

Du khách hãy xuống thuyền đi thăm Non nước vân Long. Đây là núi Nghiên, núi Hòm Sách, núi Đá Bàn, núi Mèo Cào. Kia là núi Cô Tiên, núi Voi Dựng, núi Cánh Cổng, núi Mồ Côi. Kế tiếp là một mỏm núi giống như mâm xôi là lộc trời ban tặng đầy đủ ấm no giữa thanh thiên bạch nhật. Mỗi trái núi là huyền thoại hấp dẫn.

Khu Vân Long có 32 hang động đẹp, nhiều hang động có giá trị phát triển du lịch như: hang Cá, hang Bóng, hang rùa, hang Chanh. Mỗi hang có một vẻ đẹp độc đáo riêng nhưng đẹp nhất vẫn là hang Cá dưới chân núi Hoàng Quyển. Trong hang có rất nhiều cá trê, cá rô, cá chuối to, tương truyền thời xưa có người bắt được một con cá chuối nặng 45kg, nên gọi là hang Cá. Hang dài 250m, cao 8m, rộng 10m. Hang cấu tạo nửa chìm nửa nổi. Trần hang là những vòm đá cao rủ xuống nhiều rải thạch nhũ lấp lánh, dáng hình lạ kỳ, giống như các con vật ở dưới nước và trên rừng. Khó có thể đẽo tạc được những dáng hình như thế.

Du khách sẽ ngồi thuyền đến thăm Kẽm Chăm, rồi đến đền Mẫu ở chân núi Mèo Cào (các vách núi dựng đứng có vết lồi lõm kéo dài từ trên xuống như mèo cào nên gọi là núi Mèo Cào), Đền thờ mẹ bốn tướng Hồng Nương.

Truyền thuyết kể rằng, thời Đông Hán đô hộ nước ta, có cô gái họ Mai, quen gọi là nàng Đại, năm 18 tuổi chưa lấy chồng thì cha mất, chưa đầy một năm sau mẹ cô cũng qua đời. Nàng Đại ngày ngày đi kiếm củi nuôi thân. Một hôm vào tiết trời mùa hạ, nàng qua núi Mèo Cào lấy củi. Khi ngồi nghỉ trên một phiến đá nàng ngủ thiếp đi, chợt nghe thấy tiếng hổ gầm, nàng bừng tỉnh, thấy một con hổ đen từ phương Bắc nhảy đến bên mình. Nàng kinh sợ, bất tỉnh, khi tỉnh dậy không thấy hổ đâu, chỉ thấy bốn bề sực nức hương thơm. Từ đó nàng có thai hơn một năm và sinh ra bốn người con gái vào ngày 15 tháng 10 năm Nhâm Ngọ. Nàng lấy làm quái dị, bèn đem bỏ bốn người con gái vào trong núi rồi nhắm mắt từ trần. Hắc hổ ôm thi thể nàng táng trên đỉnh núi, và nuôi nấng bốn con mình bằng nhuỵ hoa, nước quả. Bốn năm sau Hắc hổ đem bốn cô gái vào sân nhà ông cậu Đinh Công Binh cho nuôi và đặt tên là ''Hồng''.

Bốn nàng Hồng đến tuổi trưởng thành, nhan sắc tuyệt trần, lại có sức khoẻ hơn người. Đến năm 34 tuổi, Tô Định sang làm thái thú Giao chỉ rất tàn ác. Bốn nàng Hồng đã chiêu mộ nghĩa quân chống giặc Hán và đã được phong làm tướng và xin về quê, dựng đền thờ mẹ ở chân núi Mèo cào.

Thời gian sau, bốn tướng Hồng Nương hoá trên đỉnh núi Ba Chon. Hiện nay ở núi Ba Chon có đền thờ ''Tứ vị Hồng Nương''.

Non nước Vân Long chính là nơi du lịch sinh thái rất tốt, cũng sẽ là hiện trường nghiên cứu, học tập cho các nhà khoa học, các sinh viên, học sinh trong và ngoài nước muốn đến nghiên cứu và học tập về vùng đất ngập nước nội đồng của Việt Nam.

Nguồn: Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch
ĐỘNG THIÊN HÀ
Ninh Bình là địa danh du lịch đang thu hút sự quan tâm của nhiều du khách trong nước và quốc tế bởi nơi đây hội tụ đa dạng các loại hình tham quan du lịch độc đáo, hấp dẫn, trong đó nổi bật nhất là du lịch tâm linh, nghiên cứu lịch sử văn hoá và khám phá hang động. Sẽ là chưa đầy đủ hay thiếu đi một phần hấp dẫn nhất trong chuyến tham quan du lịch khám phá hang động của bạn nếu chưa tới khám phá, chiêm ngưỡng chốn thần tiên, lung linh, huyền ảo đến mê say lòng người ở động Thiên Hà.

Động Thiên Hà nằm ẩn mình trong dải núi Tướng với độ cao gần 200m là một phần của bức tường thành thiên nhiên vững chắc bao bọc, bảo vệ kinh thành Hoa Lư thế kỷ thứ X, gắn liền với những địa danh mang đậm dấu ấn lịch sử, văn hoá một thời như Bến thuyền Nhà Lê, Núi Phật Đầu Sơn, Thửa Ruộng Đấu Lính... Tất cả vẫn còn đó oai hùng, kiêu xa, khiêu gợi.

alt

Từ bản Mường Thổ Hà, xã Sơn Hà, Nho Quan, Ninh Bình, du khách xuống thuyền du ngoạn trên dòng kênh nhỏ có chiều dài chừng 1km quanh co, mềm mại như dáng Long chầu về núi Tướng, xen giữa cánh đồng quê rì rào mùa con nước. Du khách tiếp tục bộ hành trên con đường đá dài 500m uốn lượn ven chân núi Tướng để tới cửa động. Cửa động Thiên Hà không lớn lắm, chiều cao của động cũng chỉ 3m đến 4m, nhưng đó lại là điều thú vị đặc biệt để du khách có thể chiêm ngắm từng chi tiết nhỏ nhất của hàng ngàn kiệt tác đá do bàn tay tạo hoá tỷ mỉ chạm khắc và sắp đặt, dường như tất cả cái tinh túy nhất được dồn góp về đây để thổi hồn vào cái đẹp đang hiện hữu trên từng khối nhũ đá óng ánh được dát vàng dát bạc. Động có chiều dài 700m bao gồm động khô dài 200m và động nước dài 500m. Du khách chưa khỏi bất ngờ bởi sự huyền ảo hư thực của cả một thế giới nhũ đá thì trước mắt du khách một luồng sáng từ trên cao òa xuống mở rộng không gian và tầm mắt du khách, đó chính là một “Lâu đài đá” sống động có hồn: đây là chú Cáo Lỗ đang chén mồi, kia là Voi phục, Hổ rình mồi, khỉ leo cây… cao hơn có khám thờ với hình ảnh Đức Phật, thầy Đường Tăng đang tụng kinh cầu an cho các đồ đệ... tất cả hư hư thực thực khiêu gợi trí tò mò, khám phá của du khách.

alt

Du khách tiếp tục xuống thuyền lướt nhẹ trên Dải Ngân Hà uốn lượn, hun hút như vô tận với tầng tầng lớp lớp khối thạch nhũ lung linh sắc màu, chiêm ngưỡng Đảo Hoa Tiên, Bầu Sữa Mẹ, Cá Hoá Long... và lạc vào cõi thần tiên, đắm say với chốn bồng lai tiên cảnh. Trong không gian tĩnh lặng, du khách có thể cảm nhận rõ cái trong trẻo của không gian nơi đây, chỉ có tiếng mái chèo nhè nhẹ, ràn rạt, tiếng gió vi vu vuốt qua những cung đàn đá và tiếng những giọt nước tong tong nhỏ như cách giữ nhịp thời gian của đá núi. Thiên Hà thực sự là điểm nhấn của du lịch hang động ở Ninh Bình để du khách cùng khám phá cùng đắm say

Nhà thờ đá Phát Diệm - Nơi hội tụ phong cách kiến trúc Đông - Tây

Cách thành phố Ninh Bình 28km về phía Nam, Nhà thờ toạ lạc trên một khu đất rộng khoảng 117m, dài 243m, giữa trung tâm thị trấn Phát Diệm, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. Đầu thế kỷ XIX nơi đây chỉ là vùng đất bồi với bùn lầy và ngút ngàn cỏ sậy. Năm 1828, Nguyễn Công Trứ được triều đình nhà Nguyễn ở Huế phái ra Bắc với chức “Dinh Điền Sứ” đã khai phá lập ra vùng đất này. Kim Sơn là “núi vàng” và Phát Diệm có nghĩa là “Phát sinh ra cái đẹp”.

Quần thể Nhà thờ đá Phát Diệm được xây dựng nhiều hạng mục khác nhau như: ao hồ, tượng đài, Phương Đình, Nhà thờ lớn, Nhà nguyện kinh thánh Rô Cô, Nhà nguyện kinh trái tim chúa, Nhà nguyện kinh thánh Giu-Se, Nhà nguyện kinh thánh Phê-Rô và các hang đá nhân tạo... Tất cả được bố trí trên một mặt bằng tổng thể hình chữ “Vương”, không gian đóng mở theo phong cách tạo cảnh phương Đông rất rõ nét, trước có hồ, sau có núi, không những làm cho phong cảnh thêm hữu tình mà còn thể hiện tư duy, quan niệm của người Á đông “Tiền có thuỷ, hậu có sơn”, mọi việc sẽ diễn ra tốt đẹp, an lành cho cuộc sống hiện tại và mai sau.

alt

Phương Đình

Nhà thờ được xây dựng trong suốt 24 năm (1875 - 1899) với vô vàn khó khăn, phương tiện làm việc thô sơ. Hàng ngàn tấn đá, có phiến nặng tới 20 tấn, hàng trăm cột gỗ lim có cây cột dài tới 12m, đường kính 2,4m, nặng tới 7 tấn... được vận chuyển từ Thanh Hoá, Nghệ An và nhiều nơi khác xa hàng trăm cây số về Phát Diệm. Phương Đình là hạng mục công trình được hoàn thành sau cùng vào năm 1899, là điểm nhấn, kiệt tác về nghệ thuật, kiến trúc. Phương Đình có nghĩa là “Nhà vuông” thay vì vút cao trên bầu trời theo hình tháp vuông hoặc tròn thường thấy ở các thánh đường phương Tây, Phương Đình mang hình dáng của một ngôi đình làng rộng lớn, kích thước gần như vuông, chiều ngang 21m, sâu 17m, cao 25m. Tầng dưới lớn nhất, nếu bỏ đi hai lối lên gác thì phần giữa có hình dáng của một cổng tam quan trong kiến trúc truyền thống, được xây dựng bằng đá xanh với kỹ thuật thủ công tinh xảo. Trên các vách có phù điêu bằng đá tạc một số vị thánh, hai vách ngoài của Phương Đình là những chấn song đá hình câu trúc, trên các vách ngoài của tầng dưới có những phù điêu tạc sự tích chúa Giê-Su từ khi vào thành Giêrusalem đến khi lên trời.

Tầng trên của Phương Đình được dựng 5 khối tháp, trên đỉnh của 4 khối tháp ở 4 góc là tượng 4 vị thánh chép 4 sách Tin mừng được đặt giống như búp sen hay bình cam lộ thường thấy trên đỉnh của những mái đình, chùa cổ của làng quê Việt. Khối tháp trọng tâm cũng giống như 4 khối tháp góc, đầu có 3 tầng cấu trúc theo kiểu lầu thức, lợp ngói mũi hài, gác chuông được đặt một quả chuông nam có chiều cao 1,90m, thể hiện sự kết hợp hài hoà, tinh tế của hai nền văn hoá Đông - Tây.

alt

Nhà thờ chính tòa

Nhà thờ lớn: được xây dựng vào năm 1891, chỉ trong vòng 3 tháng nhưng công việc chuẩn bị, sắm sửa vật liệu và trị chân móng đã kéo dài cả chục năm trước đó. Điểm chung trong kiến trúc nhà thờ Phát Diệm giống với nhà thờ ở Châu Âu đó là lòng Nhà thờ dài 74m, còn lại đều thiết kế theo kiểu cách của đạo Phật. Sự diễn cảm trong không gian thờ tự cũng sử dụng rất nhiều cách trình bày truyền thống. Lòng nhà thờ được chia làm 10 gian sử dụng 9 bộ vì giá nghiêng-chồng giường với 6 hàng cột mang đậm chất kết cấu kiến trúc dân gian, với không gian rộng lớn trong kiến trúc nhà thờ ở phương Tây nhờ bề ngang (21m và tầm cao là 15m), thể hiện sự tài hoa của người thiết kế xây dựng. Hệ thống mái được phân thành 2 tầng, ngắt quãng bởi cửa sổ, vừa lấy ánh sáng vừa tạo độ vút cao cho mái. Đây chính là dạng mái chồng diêm trong kiến trúc truyền thống. Cuối nhà thờ, chái kiệu có cấu tạo là một khối sâu bằng đá hoa cương, phần xây cuốn vòm tạo thành 5 lối vào nhà thờ, mặt bằng và mặt đứng đều giật cấp với đỉnh cao ở lối chính giữa và thấp dần về hai bên. Phía trên tháp lợp ngói mũi hài, với đầu đao cong lượn thanh thoát, gợi lên sự phối hợp tinh tế của hai lối kiến trúc Đông Dương - Gotic. Một điểm nữa cần nhắc tới là những mảng sơn son thếp vàng trên đồ thờ bằng gỗ trong nhà thờ gợi lên một không gian thờ truyền thống của dân tộc Việt.

alt

Nhà thờ Trái tim đức mẹ (Nhà thờ đá)

Nhà thờ trái tim Đức Mẹ (Nhà thờ đá): được xây dựng đầu tiên vào năm 1883, có chiều dài 15,30m, rộng 8,50m, cao 6m. Nền, cột, xà, tường, chấn song, tháp, bàn thờ đều bằng đá, do đó người Phát Diệm quen gọi là Nhà thờ đá. Mặt tiền của nhà thờ gồm một toà Đức mẹ ở giữa với hai tháp hai bên, tháp kết cấu 5 tầng, có đường nét giống với tháp Bút ở hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội. Phía trong nhà thờ được làm bằng đá cẩm thạch với bố cục, đường nét thanh thoát, nhẹ nhàng, hai bên là những chấn song đá và những bức chạm thông phong. Trên bàn thờ chính là nhà tạm bằng gỗ chạm, sơn son, thếp vàng và tượng Đức mẹ bằng đá. Bên ngoài nhà thờ có những bức chạm thông phong hình chim Phượng hàm thư, quả là một kiệt tác, đã có du khách gọi nhà thờ này là “Viên ngọc” trong quần thể Thánh đường Phát Diệm.

Có thể nói, quần thể Thánh đường Phát Diệm là sự giao thoa, sự kết hợp hài hoà, tinh tế của lối kiến trúc nhà thờ phương Tây và kiến trúc truyền thống phương Đông. Công giáo mang đức tin đến cho con người nhưng phong cách kiến trúc, không gian thờ tự mang đậm hình ảnh mái đình, ngôi chùa vốn đã ăn sâu vào tiềm thức của người Á Đông nói chung và người Việt Nam nói riêng, tạo nên sự bình an, che chở, đây cũng là biểu tượng của sự gặp gỡ giữa công giáo và truyền thống tín ngưỡng của dân tộc Việt Nam. Nhà thờ Phát Diệm còn là điểm tham quan du lịch hấp dẫn của du khách trong nước và quốc tế, là điểm nhấn trong bức tranh toàn cảnh về di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh của quê hương Ninh Bình.

Nguồn: Thế giới di sản

CỐ ĐÔ HOA LƯ

Vị trí: Xã Trường Yên, Huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình.
Đặc điểm: Kể từ năm 968, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi hoàng đế ở Hoa Lư thì kinh đô Hoa Lư tồn tại 41 năm (968 - 1009) trong đó 12 năm là triều đình đại Đinh (Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi hoàng đế hiệu là Đinh Tiên Hoàng, đặt tên nước là Đại Cồ Việt) và 29 năm kế tiếp là triều đại Lê (người đầu tiên là Lê Hoàn lên ngôi Hoàng Đế hiệu là Lê Đại Hành).

Hơn ngàn năm trước, Hoa Lư là đế đô thật nguy nga, tráng lệ. Những núi đồi trùng điệp xung quanh vòng đai kinh đô như tấm bình phong; sông Hoàng Long uốn khúc và cánh đồng Nho Quan, Gia Viễn mênh mông là hào sâu thiên nhiên rất thuận lợi về mặt quân sự. 
Khu thành Hoa Lư có quy mô rộng lớn, có nhiều tuyến liên hoàn, rộng đến 300ha. Thành gồm hai khu là khu trong và khu ngoài, thông với nhau bằng một lối đi nhỏ hẹp và hiểm trở. Mỗi khu gồm có nhiều vòng, nhiều tuyến nhỏ. Theo truyền thuyết, cung điện được xây ở thành ngoài. Ở phía Đông có lối đi chính vào thành. 
Đến năm 1010 Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long. Kinh đô Hoa Lư trở thành cố đô. 
Ngày nay trên nền cung điện năm xưa là hai ngôi đền cách nhau chừng 500m. Một đền thờ Đinh Tiên Hoàng và một đền thờ Lê Đại Hành. Cũng vì hai ngôi đền thờ hai vị hoàng đế rất gần nhau nên nhân dân quen gọi là đền Đinh - Lê. 
Về thăm lại đất Hoa Lư lịch sử là dịp để chúng ta chiêm ngưỡng các công trình kiến trúc, những nét đẹp hoành tráng của toàn bộ khu di tích, ghi dấu thời kỳ mở nước huy hoàng, độc lập, tự chủ của đất nước Đại Cồ Việt từ ngàn năm về trước...

Nguồn: Tổng cục du lịch Việt Nam

ĐỀN VUA LÊ

Vị trí: Đền vua Lê ở làng Trường Yên Hạ, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình.
Đặc điểm: Đền vua Lê thờ vua Lê Ðại Hành.

Cách đền vua Ðinh chừng 500m là đến đền thờ vua Lê Ðại Hành. Ðền nằm ở làng Trường Yên Hạ nên còn gọi là đền Hạ. Ðền soi bóng xuống mặt nhánh sông Hoàng Long. Trước mặt đền là núi Ðèn, sau lưng là núi Ðìa. Ðền được xây theo kiểu "nội công ngoại quốc" nhưng qui mô nhỏ hơn đền vua Ðinh. Qua Nghi môn ngoại (cửa ngoài) theo đường chính đạo lát gạch, phía bên trái là một hòn non bộ lớn, cao 3m tượng hình chim phượng múa, mỏ quay vào đền, hai cánh như đang bay. Bên tay phải là nhà Tiền bái, ở mặt tiền có hòn non bộ "Hổ phục" gồm gốc cây duối thân to có 9 núi, tuổi thọ trên 300 năm. Bên trái nhà Tiền bái có hòn non bộ có dáng "voi quỳ" được khắc hai chữ Hán "Bất di".
Theo đường chính đạo bên phải còn có hồ nước rộng. Qua Nghi môn nội (cửa trong) cũng 3 gian, theo chính đạo kiến trúc đăng đối là hai vườn hoa, tiếp đó là hai dãy nhà vọng. Ở giữa vườn hoa bên phải có hai non bộ "Phượng ấp", bên trái là hòn non bộ "Long Mã". Ở sân rồng gần gian giữa của Bái đường có long sàng bằng đá. Ðền có ba toà: toà ngoài là Bái đường, toà giữa là Thiêu hương thờ Phạm Cự Lượng, người có công với vua Lê Ðại Hành đặt ở chính giữa. Bên trái là tượng Lê Ngọa Triều tức Lê Long Ðĩnh (con thứ 5 của vua Lê Ðại Hành). Bên phải là tượng hoàng hậu Dương Vân Nga.
Ðiều đặc biệt ở đền thờ vua Lê Ðại Hành là nghệ thuật chạm khắc gỗ ở thế kỷ 17 đã đạt đến trình độ điêu luyện, tinh xảo. Ðền được xây dựng để tỏ lòng biết ơn của nhân dân đối với ông vua đã có công lớn lao trong việc xây dựng đất nước vào thế kỷ thứ 10.

Nguồn: Tổng cục du lịch Việt Nam

ĐỀN VUA ĐINH

Vị trí: Đền vua Đinh ở làng Trường Yên Thượng, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình.
Đặc điểm: Đền vua Đinh thờ vua Đinh Tiên Hoàng.

Ðền toạ lạc trên khuôn viên diện tích chừng 5ha, thờ vua Đinh Tiên Hoàng. Ðền được xây dựng vào khoảng thế kỷ thứ 17, theo kiểu "nội công, ngoại quốc". Lớp ngoài là Ngọ môn quan (cổng ngoài) có 3 gian lợp ngói. Qua một sân ngắn vào đến lớp thứ hai là đến Nghi môn (cổng trong) 3 gian dựng bằng gỗ lim kiến trúc theo 3 hàng chân cột. Bốn góc ngoài của Nghi môn nội có xây bốn cột trụ cao. Ði hết chính đạo, qua hai cột trụ lớn là đến sân rồng. Giữa sân rồng có một long sàng bằng đá xung quanh chạm nổi, dài 1,8m, rộng 1,4m. Hai bên sập rồng có 2 con nghê đá chầu, được tạc trên hai tảng đá xanh nguyên khối đẹp.

Từ sân rồng bước lên là Bái đường 5 gian, kiến trúc độc đáo. Tiếp đến là Thiêu hương, kiến trúc theo kiểu ống muống, nơi thờ tứ trụ triều đình nhà Ðinh. Ði hết toà Thiêu hương du khách bước vào chính cung 5 gian. Gian giữa thờ tượng vua Ðinh được đúc bằng đồng đặt trên bệ thờ bằng đá xanh nguyên khối. Hai bên bệ đá có hai con rồng chầu bằng đá, tạc theo kiểu yên ngựa. Gian bên phải thờ tượng Ðinh Phụng Lang (ngoài), Ðinh Ðế Toàn (trong) đều quay mặt về phía bắc, là hai con thứ của vua Ðinh Tiên Hoàng. Gian bên trái thờ tượng Ðinh Liễn quay mặt về phía nam là con trưởng của vua Ðinh Tiên Hoàng.

Ðền Ðinh Tiên Hoàng là một kiến trúc độc đáo trong nghệ thuật chạm khắc gỗ và đá của các nghệ sĩ dân gian Việt Nam ở thế kỷ 17 - 19. Ðền vua Ðinh nằm giữa các tán cây đại thụ, các vườn cây ăn quả, cây cảnh đan xen nhau càng tạo nên vẻ bề thế, hoành tráng tôn nghiêm của ngôi đền.

Nguồn: Tổng cục du lịch Việt Nam

Danh sách khách sạn

KHÁCH SẠN KIM XUYẾN SẦM SƠN

News image

 Khách sạn Sầm Sơn – Kim Xuyến được xây dựng hoàn toàn mới và được đưa vào sử dụng phục vụ quý khách du lịch từ tháng 4 ...

Xem tiếp

KHÁCH SẠN HUY HOÀNG SẦM SƠN

News image

Địa chỉ: Số 16 Đường Tống Duy Tân, Bãi Tắm C, P.Bắc Sơn – Sầm Sơn  Khách sạn Huy Hoàng cách biển 30 m bao gồm 5 tầng với tổng số 30...

Xem tiếp

Vanchai Resort - Sầm Sơn Thanh Hóa

News image

  Thư ngỏ Chào mừng Quý khách đến với Vạn Chài Resort, một thiên đường thanh bình nằm trên bãi biển Sầm Sơn. Vạn Chài Resort mang nét ...

Xem tiếp
Địa danh du lịch

Nghệ An

Quảng Ninh

Gia Lai

Phan Thiết

Bình Định

Hà Tỉnh

Vĩnh Phúc

Đồng Tháp

Quảng Ngãi

Bình Dương

Đồng Nai

Bạc Liêu

Nha Trang

Hải Phòng

An Giang

Thừa Thiên Huế

Bình Phước

Phú Yên

Cà Mau

Sóc Trăng

Thanh Hóa

Quảng Bình

Ninh Bình

Điện Biên

Móng Cái

Quảng Nam

Bắc Giang

Đà Nẵng

Bắc Ninh

Lào Cai

Hà Giang

Ninh Thuận

Bình Thuận

Khánh Hòa

Vĩnh Long

Tây Nguyên

Vĩnh Long

Nam Định

Lâm Đồng

Hải Nam

Hưng Yên

Hải Dương