Chương trình kích cầu du lịch 2016 Để đáp ứng nhu cầu của du khách, HamRongTour phối hợp cùng các nhà cung cấp dịch vụ thực hiện chương trình “kích cầu nội địa”, giảm giá tour nội địa nhằm đưa du khách đến nhiều danh thắng trong nước và Quốc tế. |
Tin tức Hamrongtour
|
THÔNG TIN DU LỊCH HUẾ
Huế nằm ở dải đất hẹp của miền Trung Việt Nam và là thành phố tỉnh lỵ của Thừa Thiên – Huế. Thành phố là trung tâm quan trọng về nhiều mặt của miền Trung như văn hoá, chính trị, kinh tế, giáo dục, y tế, du lịch, khoa học kỹ thuật, đào tạo… Thành phố có 2 di sản văn hoá thế giới, có dòng sông Hương chảy qua tạo ra sự hấp dẫn mạnh mẽ về quang cảnh thiên nhiên.
Huế đã từng là Thủ phủ của 9 đời chúa Nguyễn ở Đàng Trong, là Kinh đô của triều đại Tây Sơn, rồi đến Kinh đô của quốc gia thống nhất dưới 13 triều vua Nguyễn. Cố đô Huế ngày nay vẫn còn lưu giữ trong lòng những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể chứa đựng nhiều giá trị biểu trưng cho trí tuệ và tâm hồn của dân tộc Việt Nam. Suốt mấy thế kỷ, bao nhiêu tinh hoa của cả nước được chắt lọc hội tụ về đây hun đúc cho một nền văn hóa đậm đà bản sắc để hoàn chỉnh cho một bức cảnh thiên nhiên tuyệt vời sẵn bày sông núi hữu tình thơ mộng. Bởi vậy, nói đến Huế, người ta nghĩ ngay đến những thành quách, cung điện vàng son, những đền đài miếu vũ lộng lẫy, những lăng tẩm uy nghiêm, những danh lam cổ tự trầm tư u tịch, những thắng tích thiên nhiên thợ trời khéo tạc…
Trên nền tảng vật chất và tinh thần đã được hình thành ở Huế từ đầu thế kỷ XIV (khi vua Chăm là Chế Mân dâng hai Châu Ô, Rí cho nhà Trần để làm sính lễ cưới công chúa Huyền Trân), các chúa Nguyễn (thế kỷ XVI-XVIII), triều đại Tây Sơn (cuối thế kỷ XVIII) và 13 đời vua Nguyễn (1802-1945) đã tiếp tục phát huy và gây dựng ở vùng Huế một tài sản văn hóa vô giá. Tiêu biểu nhất là Quần thể di tích của Cố đô đã được sánh ngang hàng với các kỳ quan hằng ngàn năm tuổi của nhân loại trong danh mục Di sản Văn hóa thế giới của UNESCO.
Nằm giữa lòng Huế, bên bờ Bắc của con sông Hương dùng dằng chảy xuyên qua từ Tây sang Đông, hệ thống kiến trúc biểu thị cho quyền uy của chế độ trung ương tập quyền Nguyễn vẫn đang sừng sững trước bao biến động của thời gian. Đó là Kinh thành Huế, Hoàng thành Huế, Tử cấm thành Huế, ba tòa thành lồng vào nhau được bố trí đăng đối trên một trục dọc xuyên suốt từ mặt Nam ra mặt Bắc. Hệ thống thành quách ở đây là một mẫu mực của sự kết hợp hài hòa nhuần nhuyễn giữa tinh hoa kiến trúc Đông và Tây, được đặt trong một khung cảnh thiên nhiên kỳ tú với nhiều yếu tố biểu tượng sẵn có tự nhiên đến mức người ta mặc nhiên xem đó là những bộ phận của Kinh thành Huế – đó là núi Ngự Bình, dòng Hương Giang, cồn Giã Viên, cồn Bộc Thanh… Nhìn từ phía ngược lại, những công trình kiến trúc ở đây như hòa lẫn vào thiên nhiên tạo nên những tiết tấu diệu kỳ khiến người ta quên mất bàn tay con người đã tác động lên nó.
Hoàng Thành giới hạn bởi một vòng tường thành gần vuông với mỗi chiều xấp xỉ 600m với 4 cổng ra vào mà độc đáo nhất thường được lấy làm biểu tượng của Cố đô: Ngọ Môn, chính là khu vực hành chính tối cao của triều đình Nguyễn. Bên trong Hoàng thành, hơi dịch về phía sau, là Tử cấm thành – nơi ăn ở sinh hoạt của Hoàng gia.
Xuyên suốt cả ba tòa thành, khi thì lát đá cụ thể khi thì mang tính ước lệ, con đường Thần đạo chạy từ bờ sông Hương mang trên mình những công trình kiến trúc quan yếu nhất của Kinh thành Huế: Nghinh Lương Đình, Phu Văn Lâu, Kỳ Đài, Ngọ Môn, điện Thái Hòa, điện Cần Chánh, điện Càn Thành, cung Khôn Thái, lầu Kiến Trung… Hai bên đường Thần đạo này là hàng trăm công trình kiến trúc lớn nhỏ bố trí cân đối đều đặn, đan xen cây cỏ, chập chờn khi ẩn khi hiện giữa những sắc màu thiên nhiên, luôn tạo cho con người một cảm giác nhẹ nhàng thanh thản.
Xa xa về phía Tây của Kinh thành, nằm hai bên bờ sông Hương, lăng tẩm của các vua Nguyễn được xem là những thành tựu của nền kiến trúc cảnh vật hóa. Lăng vua đôi khi lại là một cõi thiên đường tạo ra cho chủ nhân hưởng thú tiêu dao lúc còn sống, rồi sau đó mới trở thành cõi vĩnh hằng khi bước vào thế giới bên kia. Hàm nghĩa như vậy nên kiến trúc lăng tẩm ở đây mang một phong thái hoàn toàn riêng biệt của Việt Nam.
Mỗi lăng vua Nguyễn đều phản ánh cuộc đời và tính cách của vị chủ nhân đang yên nghỉ: lăng Gia Long mộc mạc nhưng hoành tráng giữa núi rừng trùng điệp khiến người xem cảm nhận được hùng khí của một chiến tướng từng trải trăm trận; lăng Minh Mạng uy nghi bình chỉnh đăng đối giữa rừng núi hồ ao được tôn tạo khéo léo, hẳn có thể thấy được hùng tâm đại chí của một chính trị gia có tài và tính cách trang nghiêm của một nhà thơ quy củ; lăng Thiệu Trị thâm nghiêm, vừa thâm trầm u uẩn giữ chốn đồng không quạnh quẽ, cũng thể hiện phần nào tâm sự của một nhà thơ siêu việt trên văn đàn song không nối được chí tiền nhân trong chính sự; lăng Tự Đức thơ mộng trữ tình được tạo nên chủ yếu bằng sự tinh tế của con người, phong cảnh nơi đây gợi cho du khách hình ảnh của một tao nhân mang nặng nỗi niềm trắc ẩn bởi tâm huyết của một nhà vua không thực hiện được qua tính cách yếu ớt của một nhà thơ…
Bên cạnh thành quách cung điện lăng tẩm nguy nga tráng lệ, Huế còn lưu giữ trong lòng bao nhiêu công trình kiến trúc độc đáo gắn liền với thể chế của hoàng quyền mà cách phối trí của các khoảng không gian đã tiến đến đỉnh cao của sự hài hòa trong bố cục. Song song với Kinh thành vững chãi bảo vệ bốn mặt, Trấn Bình Thành án ngữ đường sông, Trấn Hải Thành trấn giữ mặt biển, Hải Vân Quan phòng ngự đường bộ phía Nam, cả một hệ thống thành lũy của Kinh đô song không mấy ai để ý đến tính quân sự của nó vì nghệ thuật kiến trúc đã đạt đến đỉnh cao. Đan xen giữa các khu vực kiến trúc cảnh vật hóa độc đáo ấy, chúng ta còn có thể tham quan đàn Nam Giao – nơi vua tế trời; đàn Xã Tắc – nơi thờ thần đất, thần lúa; Hổ Quyền – đấu trường duy nhất dành cho voi và hổ; Văn Miếu – nơi thờ Khổng Tử và dựng bia khắc tên Tiến sĩ văn thời Nguyễn; Võ Miếu – nơi thờ các danh tướng cổ đại và dựng bia khắc tên Tiến sĩ võ; điện Hòn Chén – nơi thờ Thánh mẫu Thiên Y A Na… còn quá nhiều những thắng tích liên quan đến triều Nguyễn hòa điệu trong những thắng cảnh thiên nhiên nổi tiếng như sông Hương, núi Ngự, Vọng Cảnh, Thiên Thai, Thiên An, Cửa Thuận… thực sự là những bức tranh non nước tuyệt mỹ.
Huế từng hiện hữu những khu vườn ngự danh tiếng như Ngự Viên, Thư Quang, Thường Mậu, Trường Ninh, Thiệu Phương… Chính phong cách kiến trúc vườn ở đây cũng lan tỏa khắp nơi trong dân gian, phối hợp với những nhân tố sẵn có, dần dần định hình một kiểu thức nhà vườn đặc thù của xứ Huế. Đây là thành phố của những khu nhà vườn với những ngôi nhà cổ thâm nghiêm ẩn hiện giữa xóm phường bình yên trong lòng cố đô. Mỗi một khu nhà vườn lại mang bóng dáng của Kinh Thành Huế thu nhỏ, cũng có bình phong thay núi Ngự, bể nước thế dòng Hương, đôi tảng đá cụm hoa thay cho cồn Dã Viên, Bộc Thanh… đủ các yếu tố tiền án, hậu chẩm, tả long, hữu hổ… lại bốn mùa hoa trái, ríu rít chim ca, không gian ấy còn là thế giới của những thi nhân mặc khách đối ẩm ngâm vịnh, là nơi diễn xướng những điệu ca Huế não nùng như Nam Bình, Nam Ai… trong những đêm gió mát trăng thanh.
Gần một thế kỷ rưỡi là Kinh đô của một triều đại phong kiến với thiết chế chính trị dựa trên nền tảng Nho giáo, lại từng là thủ phủ của Phật giáo một thời, bên cạnh những kiến trúc cung đình lộng lẫy vàng son, Huế còn lưu giữ hàng trăm ngôi chùa thâm nghiêm cổ kính, an lạc giữa những núi rừng hoang vu u tịch. Ông Amadou MahtarM’bow – Nguyên Tổng giám đốc UNESCO, đã thật tinh tế khi đưa ra một nhận xét trong lời kêu gọi cho cuộc vận động bảo vệ, giữ gìn, tu sửa và tôn tạo di sản văn hóa Huế: “Nhưng Huế không phải chỉ là một mẫu mực về kiến trúc mà còn là một cao điểm về tinh thần và một trung tâm văn hóa sôi động – ở đó đạo Phật và đạo Khổng đã thấm sâu, hòa nhuyễn vào truyền thống địa phương, nuôi dưỡng một tư tưởng tôn giáo, triết học và đạo lý hết sức độc đáo”.
Gắn với một triều đại phong kiến tuân thủ những nguyên tắc rạch ròi của triết lý Khổng Mạnh, lễ hội và âm nhạc ở vùng kinh sư này đã phát triển vô cùng phong phú và mang đậm phong cách dân tộc. Triều đình thì có lễ Tế Giao, Tế Xã Tắc, lễ Nguyên Đán, lễ Đoan Dương, lễ Vạn Thọ, lễ Đại triều, lễ Thường triều, lễ Ban Sóc, lễ Truyền Lô, lễ Duyệt Binh… mỗi một lễ hội đều có những bước nghi thức mà phần hồn của nó chính là âm nhạc lễ nghi cung. Dân gian cũng đa dạng các loại hình lễ hội: lễ hội điện Hòn Chén, lễ hội Cầu Ngư, lễ hội vật Sình, lễ hội đua ghe, lễ hội tế đình, tế chùa, tế miếu… gắn kết với các loại hình lễ hội lại là những hình thức âm nhạc lễ nghi dân gian muôn màu muôn vẻ. Cùng tồn tại với dòng âm nhạc mang tính lễ nghi, loại hình âm nhạc mang tính giải trí tiêu khiển của xứ Huế cũng được thế giới biết đến như một điển hình mang đậm bản sắc riêng của một vùng văn hóa, mộc mạc thuần khiết, đặc thù không pha trộn. Đó là những điệu múa Huế, những vở tuồng Huế, những bài ca Huế mà ngày nay đã trở thành những món ăn tinh thần không thể thiếu trong một chuyến tham quan Cố đô của du khách mọi miền. Huế ngày nay vẫn đang gạn đục khơi trong, cố giữ gìn những tinh hoa văn hóa cổ truyền của dân tộc, cố bảo tồn những hình thái nghệ thuật được tạo nên bằng trí tuệ tâm huyết của tiền nhân nay đang ở bên bờ lãng quên, cố phục hồi những giá trị tinh thần quí báu của cha ông khi còn có thể.
Các loại hình âm nhạc truyền thống mang tính giải trí tiêu khiển vẫn đang được bảo tồn gần như nguyên vẹn trong lòng thành phố Huế. Vừa qua, điều khiến cho người dân Huế vui mừng nhất là Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp với Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam dưới sự cố vấn của nhiều nhà khoa học trong nước và nước ngoài, đã thiết lập hồ sơ đệ trình UNESCO xin công nhận Âm nhạc cung đình Huế: Nhã nhạc (triều Nguyễn) là Kiệt tác di sản văn hóa Phi vật thể và Truyền khẩu của nhân loại. Tuy mọi việc vẫn còn ở phía trước, song động thái đó cũng đủ nói lên giá trị vô vàn của âm nhạc truyền thống Huế.
Ngày nay, Huế trở thành một thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam. Cứ mỗi hai năm, nhân dân thành phố Huế lại đón chào ngày lễ hội trọng đại này trong niềm háo hức, mừng vui khôn cùng. Trong ý nghĩ của nhiều người, Huế trở thành thành phố Festival gần như là một điều tất yếu vì ở Huế còn bảo lưu khá điển hình diện mạo một kinh đô của triều đại phong kiến mà các công trình kiến trúc lại hòa điệu với thiên nhiên tạo nên những tiết tấu độc đáo với những lễ hội, âm nhạc, ẩm thực truyền thống được bảo tồn phong phú đa dạng. Cách cấu tạo giữa kiến trúc và cảnh quan làm cho Huế trở thành một thành phố của sự hài hòa giữa kiến trúc – thiên nhiên và con người “Huế thực hiện được sự tổng hợp giữa đạo và đời trong kiến trúc, tổng hợp được cổ xưa và hiện đại, qua đó cố đô cổ kính chung sống hài hòa với thành phố trẻ mới ngày nay”.
Bãi biển Thuận An nằm bên cạnh cửa biển Thuận An, nơi dòng sông Hương đổ ra phá Tam Giang rồi thông ra biển. Bãi biển chỉ cách thành phố Huế 15 km . Đầu thế kỷ XIX vua Minh Mạng đặt tên là cửa Thuận An Cửa biển Thuận An là một trong những cảnh đẹp của xứ thần kinh được vua Thiệu Trị ca ngợi qua bài thờ Thuận Hải quy phàm
Du khách có thể đến Thuận An bằng đường bộ qua những xóm làng trù phú, cây trái um sùm, những cánh đồng lúa bát ngát. Hoặc có thể xuôi theo dòng sông Hương Giang lướt qua những cảnh sắc thiên nhiên thơ mộng, diễm lệ ở đoạn cuối con sông.
Biển Thuận An vẫn giữ được nguyên vẻ đẹp với làn nước biển trong vắt, bờ cát trắng thoai thoải trải dài, sạch sẽ. Có hai điều khiến du khách thấy khá lạ ở đây là : bãi cát sạch tinh không có vỏ ốc và nước biển có vị mằn mặn hơn bình thường. Suốt từ sáng đến 3h chiều nước biển có màu xanh ngắt và bãi cát trắng lóng lánh tạo nên một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp, hiếm có .Bãi biển Thuận An kéo dài gần 1km, cát trắng mịn màng. Hoạt động náo nhiệt nhất ở Thuận An là vào mùa tắm biển từ tháng 4 đến tháng 9. Ở đây du khách còn có thể hưởng thức các đặc sản biển như tôm, sò huyết, mực… và các món ăn truyền thống của người dân địa phương như bánh lộc, bánh nậm. ….
Du khách không những chỉ bị Thuận An hút về bãi tắm mà có bị hút bởi sự đam mê về tâm linh. Ở đây có miếu Thái Dương với sự tích nữ thần Thái Dương được dân làng hết lòng sùng kính; thăm miếu thờ thần cá voi, con vật linh thiêng cùa cư dân miền biển. Tích xưa kể rằng, một hôm bỗng có một khối đá dạt vào bờ biển Thuận An. Bởi là một khối đá nên không ai quan tâm. Vào một đêm, chàng ngư dân đi biển về mệt quá nằm lên trên khối đá ấy ngủ. Đêm ấy, chàng nằm mơ có người đàn bà hỏi rằng: “Sao ngươi lại nằm trên mình ta mà ngủ?” Chàng hỏi lại: “Nàng là ai?”, nàng đáp: “Ta là Thai Dương phu nhân người nước Nhật Bản, bị bão, chết chìm dạt vào đây”. Thương cảm, dân Thuận An lập miếu thờ. Từ đó, Thai Dương phu nhân phù hộ dân Thuận An làm ăn phát đạt. Năm ấy trời hạn hán dữ quá, lo mất mùa, nhà vua xuống cúng xin Thai Dương phu nhân giúp đỡ. Trời đổ cơn mưa lớn. Dân không mất mùa nữa. Ngay năm ấy, nhà vua cho xây đền thờ Thai Dương phu nhân
Gần cửa biển có thành cổ Trấn Hải, hình tròn, chu vi 285 m, có hào bao quanh. Trên thành có 99 ụ súng, có đài và lầu Quan Hải và đình Thái Dương có quy mô lớn, tường và cột trụ đều khảm sành sứ.Vào ngày 11,12 tháng Giêng, Thuận An diễn ra lễ hội “ Lễ Cầu Ngư” tại sân đình Thái Dương rồi rước qua bãi biển Thuận An theo hướng đập đá Vĩ Dạ. Ngày hội thì khỏi phải nói, ngư dân các nơi đổ về nườm nượp, cờ xí ngợp trời. Khói hương nghi ngút. Ai cũng lên thắp một nén hương xin được thủy thần phù hộ, che chở.
LĂNG TẨM HUẾ
Cách đây gần 80 năm, một người phương tây là Eberhard đã viết : “Huế là một trung tâm du lịch hấp dẫn, nơi có Kinh thành, Hoàng thành và lăng tẩm, có sức cuốn hút sự chú ý đặc biệt của du khách và các nhà mỹ thuật. Chỉ riêng lăng tẩm của các nhà vua Nguyễn không thôi cũng đủ giá trị đối với cuộc du lịch rồi, theo ý chung, lăng tẩm Huế đẹp hơn lăng tẩm của các nhà vua Minh ở Trung Quốc”“Vẻ đẹp Huế chẳng nơi nào có được/ Nét dịu dàng pha lẫn trầm tư”. Đúng là hiếm một nơi nào lại có vẻ đẹp trữ tình như xứ Huế – một thành phố có hai di sản thế giới – với những thành quách, cung điện, lăng tẩm, đền đài, chùa miếu cổ kính kết hợp hài hòa với không gian cảnh quan sông núi thơ mộng và phong tục tập quán, vốn văn hóa truyền thống của người dân đất cố đô.Triều Nguyễn có đến 13 vua, nhưng hiện ở Huế chỉ có 7 khu lăng tẩm cho 9 vị vua. Đó là các lăng: Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Đồng Khánh, Dục Đức, Khải Định. Một điều đặc biệt là hầu hết các lăng tẩm được xây khi các vị vua đang còn trên ngai vàng. Có thể thấy, mỗi lăng là một công trình kiến trúc thể hiện tiêu biểu cho tính cách của mỗi ông vua có lăng. Nhưng có lẽ, khu lăng tiêu biểu nhất là lăng Minh Mạng, lăng Tự Đức và lăng Khải Định.
Vẻ đẹp u tịch của thiên nhiên hòa với nét uy nghi của đồi núi, kiến trúc trong lăng khiến con người cảm thấy nhỏ bé, chơi vơi.
Lăng Minh Mạng – Kiệt tác của kiến trúc Việt
Đứng ở hữu ngạn sông Hương phía dưới chợ Tuần chúng ta trông qua ngả ba Bằng Lãng sẽ thấy khu lăng nằm thanh thản nổi rõ giữa núi đồi, trời mây, sông nước thật ngoạn mục. Sự an bài trước cảnh “sơn hồi thủy tụ” này tạo cho khu lăng rất đổi tự nhiên. Dòng sông Hương trong xanh như một dải lụa làm bức diềm phía trên. Núi Kim Phụng cân phân làm cái gối dệt phía sau. Rừng thông chỗ đậm, chỗ thưa, làm các công trình kiến trúc bên trong thấp thoáng như ẩn mà như hiện dưới các tàn lá xanh tạo nên sự hài hòa, ăn ý giữa con người và thiên nhiên.Đây là lăng vua Nguyễn thứ hai, sau lăng Gia Long và cũng là lăng hoàn chỉnh mang trọn dấu ấn của chế độ quân chủ tập quyền Việt Nam ở điểm cao của nó.
Lăng Minh Mạng còn gọi là Hiếu lăng , nằm trên núi Cẩm Khê, gần ngã ba Bằng Lãng là nơi hội lưu của hai dòng Hữu Trạch và Tả Trạch hợp thành sông Hương, cách cố đô Huế 12 km. Lăng Minh Mạng được xem là công trình kiến trúc có vẻ đẹp thâm nghiêm với bố cục hoàn chỉnh nhất vừa uy nghiêm, vừa rực rỡ về kiến trúc, vừa hài hòa với thiên nhiên lại vừa sâu sắc bởi giá trị tư tưởng nhất trong các lăng tẩm ở Huế, được xây dựng từ năm 1840 đến năm 1843 đã được công nhận là di tích cấp quốc gia và di sản thế giới.
Lăng Minh Mạng là một tổng thể kiến trúc quy mô gồm 40 công trình lớn nhỏ, bao gồm cung điện, đền miếu và đài tạ… được bố trí trên một trục dọc theo đường Thần đạo dài 700m từ Đại Hồng môn ở ngoài cùng tới chân tường của la thành sau mộ vua. Hình thế của lăng tựa dáng một người đang nằm nghỉ trong tư thế đầu gối lên núi Kim Phụng, chân duỗi ra ngã ba sông trước mặt, hai nửa hồ Trừng Minh như đôi cánh tay buông xuôi tự nhiên.
Nhìn toàn bộ bố cục kiến trúc của lăng Minh Mạng do xây dựng trên cơ sở tư tưởng chịu ảnh hưởng sâu sắc của đạo Nho nên mới đầu cảm thấy khó coi bởi công thức theo một khuôn phép đơn điệu của nó. Nhưng do nghệ thuật tạo dáng trong đó có những nét giản đơn có ích của các nhà kiến trúc dân tộc và nghệ nhân ở Huế thế kỷ XIX đã tạo nên phong cách kiến trúc Huế những nét độc đáo riêng. Lăng Minh Mạng thâm nghiêm thăm thẳm mà cao sáng, chặt chẽ mà sinh động hài hòa. Đó là một trong những “kiệt tác về thơ kiến trúc đô thị”.
Lăng Minh Mạng là một tổng thể kiến trúc hòa hợp giữa một không gian bao la của thiên nhiên, trời mây, hoa cỏ. Đây là nơi “đi về của linh hồn tiên đế, là dấu chấm vuông kết thúc một thế giới hữu hạn…” (Wiki) và có lẽ cũng là nơi gìn giữ những giá trí văn hóa và kiến trúc của một triều đại. Một công trình tuyệt đẹp về bố cục lẫn kiến trúc, rất đáng để chiêm ngưỡng! Các kiến trúc sư bậc thầy ngày nay cũng phải khâm phục trước nghệ thuật tạo hình tuyệt dịệu của lăng này !
Lăng Tự Đức – Bức tranh sơn thủy hữu tình
Một trong những công trình không thể không nhắc đến khi viếng thăm Huế là lăng vua Tự Đức với kiến trúc độc đáo, đa dạng, phong cảnh sơn thủy hữu tình và là một trong những lăng tẩm đẹp nhất của vua chúa triều Nguyễn.
Lăng Tự Đức nằm trong một thung lũng, cách trung tâm TP.Huế 5km – được xây dựng trong thời gian từ 1864 – 1867 với kiến trúc cầu kỳ, uốn lượn, phong cảnh sơn thủy hữu tình đúng như tính cách của một ông vua thi sĩ. Tự Đức – hoàng đế thứ tư của triều Nguyễn – đã xây lăng mộ cho mình ngay khi còn sống. Đây có thể coi là hành cung thứ hai của Vua Tự Đức
Sinh thời, Tự Đức là một thi sĩ, làm vua trong bối cảnh loạn lạc, thù trong giặc ngoại nên muốn sớm xây lăng làm chốn tiêu sầu, quên cuộc đời khắc nghiệt, éo le của mình. Toàn cảnh lăng tựa một công viên rộng lớn hòa mình với thiên nhiên sơn thủy hữu tình, được ví như một bài thơ lớn của nhà vua thi sĩ.
Toàn cảnh lăng Tự Đức như một công viên rộng lớn. Ở đó quanh năm có suối chảy, thông reo, muôn chim ca hát. Yếu tố được tôn trọng triệt để trong lăng Tự Đức là sự hài hòa của đường nét. Không có những con đường thẳng tắp, đầy góc cạnh như các kiến trúc khác, thay vào đó là con đường lát gạch Bát Tràng bắt đầu từ cửa Vụ Khiêm đi qua trước Khiêm Cung Môn rồi uốn lượn quanh co ở phía trước lăng mộ và đột ngột khuất vào những hàng cây sứ đại thụ ở gần lăng Hoàng hậu Lệ Thiên Anh. Sự sáng tạo của con người hài hòa với cảnh quan tự nhiên tạo nên một khung cảnh thơ mộng, diễm lệ. Trong cái quyến rũ của mây nước, hương hoa đó, người ta như quên đi rằng đó là lăng tẩm của một người quá cố mà ngỡ là thiên đường của cỏ cây, của thi ca và mộng tưởng…
Đặc biệt tấm bia đá Thánh đức thần công nằm ngay sau Bái Đình trong lăng Tự Đức được xây dựng vào năm 1875, làm bằng đá hoa cương nguyên khối lấy từ tỉnh Thanh Hóa vào (đá Thanh), chiều cao toàn thân là 407cm; rộng 259cm. trọng lượng ước tính khoảng 22 tấn. Tấm bia này đã được Trung tâm Sách kỷ lục VN xác lập kỷ lục là bia đá cao và nặng nhất VN vào năm 2008.
Tấm bia hội đủ các nét đặc trưng của phong cách bia ký thời Nguyễn, bia hình chữ nhật, trán bia hình chiếc khánh, 4 góc có 4 tai bia, đặt trên bệ bia cao 100cm, rộng 309cm và dày 162,5cm. Bệ bia cũng là một phiến đá Thanh nguyên khối, chạm trổ công phu. Mặt ngoài bệ bia chạm nổi và chạm lộng các đồ án rồng mây, mặt hổ phù và hồi văn chữ S gấp khúc. Bia khắc cả hai mặt, mặt trước khắc theo thể chữ khải, mặt sau khắc theo thể chữ hành, trong đó có bài Khiêm cung ký do Vua Tự Đức sáng tác.Tấm bia được coi là bảo vật quốc gia và được đặt trong nhà bia (Bi đình) – vốn là công trình kiến trúc bằng gạch to cao, mái được đỡ bởi 4 cột gạch to có đường kính 125cm, chu vi chân cột 205cm. Bốn phía có 4 tầng cấp thuận tiện để khách tham quan đến xem.
Giữa kiến trúc lăng và thiên nhiên có sự gần gũi, bổ trợ. Ðường nét kiến trúc thật phóng khoáng, hài hòa cùng thiên nhiên có sẵn, hoặc cải tạo lại cho phù hợp với nghệ thuật kiến trúc phong cảnh. Chính vì thế, Lăng Tự Đức thật sự là một bài thơ tuyệt tác, một bức tranh sơn thủy hữu tình.Ông vua thi sĩ đã nằm xuống giữa một không gian của thơ và nhạc, của sự yên bình trong tổng thể kiến trúc trác tuyệt về nghệ thuật xây dựng lăng tẩm thời Nguyễn. Người đời sau mỗi khi đứng trước khung cảnh thơ mộng này, ai cũng nghĩ đến một câu thơ đề tặng “ngôi nhà vĩnh cửu” của vua Tự Đức với sự tâm đắc, ngưỡng mộ:
“Tứ bề núi phủ mây phong, Mảnh trăng thiên cổ, bóng tùng Vạn Niên”.
Lộng lẫy lăng Khải Định – Dấu ấn giao thời
Trong số các lăng triều Nguyễn, lăng Khải Định hay còn gọi Ứng Lăng là công trình duy nhất có lối kiến trúc pha trộn giữa Đông và Tây. Đây là nơi yên nghỉ của vua Khải Định, vị hoàng đế thứ 12 của triều Nguyễn.
Tuy có kích thước khiêm tốn hơn so với lăng của các vua tiền nhiệm nhưng lăng được xây dựng tỉ mỉ, kỳ công nên tốn nhiều thời gian cũng như kinh phí hơn các lăng khác (từ năm 1920 – 1930). Sử sách ghi lại để có kinh phí xây dựng lăng, vua Khải Định đã xin chính phủ bảo hộ cho phép ông tăng thuế điền 30% trên cả nước và lấy số tiền đó để làm lăng.
Lăng Khải Định thuộc xã Thủy Bằng (Hương Thủy, Thừa Thiên – Huế) nằm cách thành phố Huế 10 km. Để ghé thăm nơi này, bạn có thể đi bằng đường bộ hoặc đi thuyền trên sông Hương. Ban đầu bạn sẽ không khỏi choáng ngợp khi đứng trước một công trình mà tổng thể của nó là một khối nổi hình chữ nhật vươn cao tới 127 bậc, bạn sẽ có cảm giác như mình đang đứng ở những công trình thành quách châu Âu mà đã được xem trong các chương trình du lịch trên truyền hình.
Khác với kiến trúc truyền thống thời Nguyễn, sự pha trộn của nhiều trường phái kiến trúc như Ấn Độ giáo, Phật giáo, Roman, Gothique… đã để lại dấu ấn trên những công trình của lăng. Toàn bộ nội thất trong cung đều được trang trí bởi những phù điêu ghép bằng sành sứ và thủy tinh. Những bộ tranh tứ quý, bát bửu, ngũ phúc, bộ khay trà, vương miện… kể cả những vật dụng rất hiện đại như đồng hồ báo thức, vợt tennis, đèn dầu hỏa… cũng được trang trí tại đây.
Đặc biệt, lăng Khải Định nổi tiếng với 3 bức bích họa “cửu long ẩn vân” tuyệt đẹp được trang trí trên trần của 3 gian nhà giữa trong cung Thiên Định. Ba tấm phù điêu này được trang trí trên trần của 3 gian nhà giữa trong cung Thiên Định. Theo đánh giá của những nhà chuyên môn thì lăng Khải Định thực sự là biểu tượng đỉnh cao của nghệ thuật tạo hình sành sứ và thủy tinh.
Đứng từ trên lăng ,du khách có thể phóng tầm mắt ra xa để nhìn phong cảnh núi đồi bao phủ. Bên trên là khỏang không mênh mông vô tận của vòm trời trong xanh cao vút. Ngắm nhìn lăng tẩm uy nghi sừng sững trong không gian vắng lặng u tịch, chỉ có tiếng kêu thoảng vang đâu đó, ta cảm nhận được không khí trang nghiêm kiêu sa mà trầm mặc,u tịch của nơi chốn an nghĩ muôn đời của những bậc đế vương.
Vào thăm lăng tẩm Huế, người ta có cảm giác như đi chơi ở công viên mỹ lệ giữa chốn núi rừng bao la, ở đó có thể nghe thấy được chim hót, hoa nở, suối chảy, thông reo. Ngoài những hình tượng cụ thể mà mọi người thưởng thức được bằng trực giác, còn có những cái trừu tượng và siêu nhân cần phải vận dụng đến tư duy mới có thể nhận thức và cảm thụ. Đó là tư tưởng xuất phát từ nhân sinh quan của một thời kì lịch sử. Đi tham quan, nghiên cứu lăng tẩm Huế, không nên chỉ chú vào các công trình kiến trúc gần gủi trước mắt trong phạm vi vòng la thành diện tích hơn chục ha. mà phải phóng tâmg mắt ra xa cả chuc km để thấy hết các thực thể địa lý thiên nhiên gắn liền với nó và thưởng thức được vẻ hoành tráng của cả tổng thể rộng hàng trăm, hàng nghìn ha mà lăng tẩm có anh hưởng vè măt nghệ thuật
DINH ĐẠI NỘI
Dinh Đại Nội Huế hay còn gọi là Hoàng Thành Huế nằm bên trong Kinh Thành, có chức năng bảo vệ các cung điện quan trọng nhất của triều đình, các miếu thờ tổ tiên nhà Nguyễn và bảo vệ Tử Cấm Thành – nơi dành riêng cho vua và hoàng gia. Hoàng Thành và Tử Cấm Thành thường được gọi chung là Đại Nội.
Các di tích trong hoàng thành gồm:
Ngọ Môn là cổng chính phía nam của Hoàng thành Huế được xây dựng vào năm Minh Mạng 14 (1833). Ngọ Môn có nghĩa đen là Cổng giữa trưa hay Cổng xoay về hướng Ngọ, là cổng lớn nhất trong 4 cổng chính của Hoàng thành Huế. Về mặt từ nguyên, Ngọ Môn có nghĩa là chiếc cổng xoay mặt về hướng Ngọ, cũng là hướng Nam, theo Dịch học là hướng dành cho bậc vua Chúa.
Điện Thái Hoà là cung điện nằm trong khu vực Đại Nội của kinh thành Huế. Điện cùng với sân chầu là địa điểm được dùng cho các buổi triều nghi quan trọng của triều đình như: lễ Đăng Quang, sinh nhật vua, những buổi đón tiếp sứ thần chính thức và các buổi đại triều được tổ chức 2 lần vào ngày mồng 1 và 15 âm lịch hàng tháng. Trong chế độ phong kiến cung điện này được coi là trung tâm của đất nước. Điện được xây dựng vào năm 1805 thời vua Gia Long. Năm 1833 khi vua Minh Mạng quy hoạch lại hệ thống kiến trúc cung đình ở Đại Nội, trong đó có việc cho dời điện về mé nam và làm lại đồ sộ và lộng lẫy hơn.
Triệu Tổ miếu còn gọi là Triệu Miếu, được xây dựng năm Gia Long thứ 3 (1804). Miếu này nằm ở phía bắc của Thái Miếu trong hoàng thành Huế, là miếu thờ Nguyễn Kim, thân sinh của chúa Tiên Nguyễn Hoàng.
Hưng Tổ Miếu còn gọi là Hưng Miếu là ngôi miếu thờ cha mẹ vua Gia Long (ông Nguyễn Phúc Luân (hay Nguyễn Phúc Côn) và bà Nguyễn Thị Hoàn), vị trí ở tây nam Hoàng thành Huế|hoàng thành (cách Thế Miếu chừng 50 mét về phía Bắc).
Thế Tổ Miếu thường gọi là Thế Miếu tọa lạc ở góc tây nam bên trong Hoàng thành Huế, là nơi thờ các vị vua triều Nguyễn. Đây là nơi triều đình đến cúng tế các vị vua quá cố, nữ giới trong triều (kể cả hoàng hậu) không được đến tham dự các cuộc lễ này.
Thái Tổ Miếu còn gọi là Thái Miếu là miếu thờ các vị chúa Nguyễn, từ Nguyễn Hoàng đến Nguyễn Phúc Thuần. Miếu được xây dựng từ năm Gia Long 3 (1804) ở góc đông nam trong Hoàng thành, đối xứng với Thế Tổ Miếu ở phía tây nam.
Cung Diên Thọ tên ban đầu là cung Trường Thọ, các tên khác là Từ Thọ, Gia Thọ, Ninh Thọ; được bắt đầu xây dựng năm 1803 để làm nơi sinh hoạt của Hoàng Thái Hậu của triều Nguyễn.
Cung Trường Sanh hay Cung Trường Sinh (còn có tên gọi khác là Cung Trường Ninh), được xây dựng vào năm Minh Mạng thứ nhất (1821) ở phía Tây Bắc Hoàng thành với vai trò ban đầu là hoa viên, nơi các vua triều Nguyễn mời mẹ mình đến thăm thú ngoạn cảnh. Về sau cung được được chuyển thành nơi ăn ở sinh hoạt của một số bà hoàng thái hậu và thái hoàng thái hậu. Trong thời kỳ rực rỡ nhất, kiến trúc cảnh quan của Cung Trường Sanh được vua Thiệu Trị xếp vào hàng thứ bảy của thắng cảnh đất Thần Kinh.
Hiển Lâm Các được xây dựng vào năm 1821 và hoàn thành vào năm 1822 thời vua Minh Mạng nằm trong khu vực miếu thờ trong hoàng thành Huế, cao 17m và là công trình kiến trúc cao nhất trong Hoàng Thành. Đây được xem là đài kỷ niệm ghi nhớ công tích của các vua nhà Nguyễn và các quan đại thần có công lớn của triều đại.
Cửu Đỉnh của nhà Nguyễn là chín cái đỉnh bằng đồng đặt ở trước Hiển Lâm Các đối diện với Thế Miếu, phía tây nam Hoàng hành Huế. Tất cả đều được đúc ở Huế vào cuối năm 1835, hoàn thành vào đầu năm 1837. Mỗi đỉnh có một tên riêng ứng với một vị hoàng đế của triều Nguyễn, chúng có trọng lượng khác nhau và hình chạm khắc bên ngoài đỉnh cũng khác nhau. 9 đỉnh đó là: Cao Đỉnh, Nhân Đỉnh, Chương Đỉnh, Anh Đỉnh, Nghị Đỉnh, Thuần Đỉnh, Tuyên Đỉnh, Dụ Đỉnh, và Huyền Đỉnh.
Điện Phụng Tiên là một ngôi điện nằm ở gần cửa Chương Đức, phía trước Cung Diên Thọ, cửa tây của Hoàng Thành được vua Gia Long và vua Minh Mạng xây dựng dùng để thờ cúng các vua triều Nguyễn. Khác với Thế Miếu, điện này tuy cũng thờ các vị vua và hoàng hậu nhà Nguyễn nhưng nữ giới trong triều được phép đến đây cúng tế. Ngoài ra, nó còn là nơi lưu trữ nhiều bảo vật của nhiều đời vua nhà Nguyễn. Tháng 2 năm 1947, toàn bộ điện bị đốt cháy, hiện nay chỉ còn lại cửa Tam Quan và vòng tường thành còn tương đối nguyên vẹn.
Tử Cấm Thành nguyên gọi là Cung Thành là vòng tường thành thứ 3 của Kinh đô Huế, giới hạn khu vực làm việc, ăn ở và sinh hoạt của vua và hoàng gia.
Các di tích trong Tử cấm thành gồm:
Tả Vu và Hữu Vu được xây dựng vào đầu thế kỷ 19, và cải tạo vào năm 1899. Tả Vu là toà nhà dành cho các quan văn, còn Hữu Vu là toà nhà dành cho các quan võ; đây là nơi các quan chuẩn bị nghi thức trước khi thiết triều, nơi làm việc của cơ mật viện, nơi tổ chức thi đình và yến tiệc.
Điện Kiến Trung trong Tử Cấm thành (Huế) được vua Khải Định cho xây vào năm 1921-1923 cùng thời gian với xây lăng để làm nơi sinh hoạt của vua trong hoàng cung. Sau này, vua Bảo Đại cho tu sửa lại điện, tân trang các tiện nghi Tây phương và cùng hoàng hậu Nam Phương dọn về ở tại đây.
Điện Cần Chánh trong Tử Cấm thành (Huế), được xây dựng năm Gia Long thứ 3 (1804), sau còn được tu bổ nhiều lần. Điện là nơi vua thiết triều, thường tiếp sứ bộ ngoại giao, tổ chức yến tiệc của hoàng gia và triều đình của triều Nguyễn, hiện nay đã trở thành phế tích do bị phá huỷ từ năm 1947.
Thái Bình Lâu được vua Khải Định cho xây dựng vào năm 1919, đến năm 1921 thì hoàn thành, là nơi để nhà vua có thể nghĩ ngơi lúc rảnh rỗi, cũng là chỗ để nhà vua đọc sách, viết văn, làm thơ, thư giản.
Duyệt Thị Đường được xây dựng vào năm Minh Mạng thứ 7 (năm 1826) nằm bên trong Tử Cấm Thành , là một nhà hát dành cho vua, hoàng thân quốc thích, các quan đại thần xem biễu diễn các vở tuồng. Đây được xem là nhà hát cổ nhất của ngành sân khấu Việt Nam. Từ năm 2004, Duyệt Thị Đường được Trung tâm bảo tàng di tích cố đô Huế khôi phục và đưa vào hoạt động biểu diên nhã nhạc cung đình Huế phục vụ khách du lịch.
Hòa quyện với phong cảnh của sông Hương, núi Ngự, cầu Trường Tiền…, chùa Thiên Mụ, ngôi chùa nổi tiếng nhất đất cố đô đã đi vào tâm thức của bao người dân, tô đẹp, gắn bó và là một bộ phận không thể tách rời của người dân xứ Huế. Chùa Thiên Mụ ở Huế không chỉ là chốn tâm linh bao đời nay của người dân địa phương, mà còn là nơi vãn cảnh hữu tình của nhiều người đến Huế. Thiên nhiênvà kiến trúc ở đây hài hòa với nhau đến mức hoàn chỉnh. Với kiến trúc uy nghiêm cổ kính, với cảnh trí thanh thoát nên thơ, chùa Thiên Mụ có thể xem là một danh lam thắng cảnh tuyệt vời của đất nước.
Chùa Thiên Mụ (còn có tên khác là chùa Linh Mụ) nằm cách trung tâm thành phố Huế khoảng 5 km, trên đồi Hà Khê, tả ngạn sông Hương, xã Hương Long, TP. Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế. Chùa Thiên Mụ là một trong những kiến trúc tôn giáo cổ nhất và thắng cảnh đẹp nhất ở Huế, nổi tiếng với 108 tiếng chuông ngày ngày giữ nhịp thời gian, mang theo từ bi gửi gắm đến chúng sinh, giải tỏa mọi muộn phiền đau khổ.
Chùa Thiên Mụ được dựng nên bắt nguồn từ một truyền thuyết. Chuyện kể rằng từ xa xưa, người dân địa phương nằm chiêm bao thường thấy một bà già mặc áo đỏ, quần lục xuất hiện trên ngọn đồi nơi chùa tọa lạc ngày nay nói: Rồi sẽ có ngày chân một vị Chúa đến lập chùa ở đây để tụ khí cho bền long mạch, giúp nước Nam hùng mạnh. Hễ nói xong là bà biến mất. Sau khi vào trấn Thuận Hóa, chúa Nguyễn Hoàng một lần đi qua, nghe nói cả mừng, tự cho mình là chân Chúa, sai người cất dựng chùa, viết biển đề chữ Thiên Mụ Tự (Chùa Thiên Mụ).
Trước mặt chùa là khúc quanh rất hữu tình của dòng Hương Giang. Khuôn viên chùa được chia thành hai khu vực, khu vực trước cửa Nghi Môn gồm các công trình kiến trúc như: bến thuyền đúc bê tông có 24 bậc tam cấp lên xuống, cổng tam quan là bốn trụ biểu xây xát đường cái, từ cổng tam quan bước lên 15 bậc tam cấp là đình Hương Nguyện, sau đình Hương Nguyện là tháp Phước Duyên xây bằng gạch vồ bảy tầng cao vời vợi, hai bên đình có hai lầu bia hình tứ giác, lui về phía trong có hai lầu hình lục giác một lầu để bia và một lầu để chuông. Tất cả tạo nên một vẻ đẹp rất riêng của Thiên Mụ, là một địa điểm không thể bỏ qua với mỗi du khách khi tới Huế.
Chùa không có nhiều tượng Phật như các chùa khác. Nhìn tổng quan, khuôn viên chùa như một cung điện, dinh thự của các bậc vua chúa, quan lại xứ Huế ngày xưa. Vãn cảnh chùa, du khách như đang đi vào không gian của trăm năm, thanh tịnh và thơ mộng. Khách bước qua khỏi cổng chùa đã thấy lòng lắng lại, tĩnh tâm, bỏ lại đằng sau những phiền muộn, lo âu…
Trong phạm vi chùa Thiên Mụ đâu đâu cũng toát lên một chút thơ, một chút mộng của xứ Huế. Mỗi công trình, kiến trúc dù được xây dựng dưới triều đại nào cũng đều thể hiện sự tín ngưỡng, trang trọng và hài hòa với những công trình trước đó.
Dù không phải là người tín ngưỡng, bước chân vào không gian này, khách như đi vào lối thơ. Kiến trúc hòa quyện với thiên nhiên như những cung bậc của thi ca. Người yêu thiên nhiên, đứng ở nơi này có thể sáng tác vài vần thơ. Một tiếng chuông trong vắt, một âm thanh đục của tiếng gỗ phát ra từ chiếc mõ nơi chánh điện cũng làm cho du khách như đang đi giữa không gian của Phật pháp.
Những người yêu sự mộng mơ của xứ Huế lên tháp Phước Duyên ngắm dòng Hương Giang lượn lờ, để thấy được nét duyên, nét thơ của Huế. Cảnh vật nơi đây còn rất hoang sơ dù cách trung tâm thành phố Huế không xa. Những rẫy bắp bên dòng sông, những mảng xanh của thiên nhiên chính là những vần thơ ca ngợi vẻ đẹp của đất Thần kinh này.
Con sông len lỏi vào những núi, những rừng, những cánh đồng, rẫy bắp tạo nên bức tranh thủy mặc sống động. Chùa Thiên Mụ nằm ngay trên đỉnh một gò đất cao là điểm nhấn cho bức tranh đó. Đến đây, những sân si đời thường dường như lắng lại không chỉ bởi tiếng kệ mà còn bởi không gian nên thơ của chốn này đã làm người ta quên đi những “thất tình, lục dục”.
Đến với chùa Thiên Mụ, du khách không khỏi cảm kích trước vẻ đẹp thiên nhiên, trước công trình đời xưa để lại với ngọn tháp hùng vĩ đứng soi mình trên dòng Hương Giang duyên dáng. Từ bốn thế kỷ nay, chùa Thiên Mụ với tiếng chuông sớm chiều ngân nga, vang vọng, khói hương ngào ngạt tỏa ra giữa thanh không vắng lặng, đã hấp dẫn và say đắm biết bao lòng người xứ Huế và du khách bốn phương.Những cảnh đẹp tuyệt vời trong bình minh, hoàng hôn hay những đêm trăng thanh, gió mát đã tượng trưng cho vẻ đẹp hiền hòa, thơ mộng của xứ Huế. Tiếng chuông chùa đã đi vào câu ca dao, điệu hò, để lại trong lòng người Huế và bạn bè gần xa thiết tha với Huế.
“Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Xương”
Đã từ lâu, chùa Thiên Mụ (TP. Huế) nổi tiếng với 108 tiếng chuông ngày ngày giữ nhịp thời gian, mang theo tâm nguyện từ bi gửi gắm đến chúng sinh, giải tỏa mọi muộn phiền đau khổ. Ấy vậy mà, nơi chốn cửa phật từ bi này còn được gán một lời nguyền nghiệt ngã.
Chuyện kể rằng, khi chúa Nguyễn vẫn còn cai trị vùng Đàng Trong, và tình yêu đôi lứa vẫn còn nằm trong sự sắp đặt của cha mẹ, có cô gái con nhà quan danh giá, xinh đẹp đem lòng yêu một chàng trai mồ côi, lại nghèo khó. Mối tình vụng trộm của họ như con thuyền trắc trở không bến đỗ vì bị gia đình nhà gái ngăn cấm quyết liệt. Quá đau khổ, đôi trai gái cùng nhau ra sông Hương tự vẫn, vì những tưởng sống không đến được thì chết sẽ bên nhau mãi mãi. Nhưng trớ trêu thay, khi trái tim chàng trai đã ngừng đập dưới đáy sông Hương sâu thẳm, cô gái lại may mắn dạt vào bờ và được những người địa phương tốt bụng cứu sống. Gia đình cô gái tìm về, ép nàng lấy một vị quan nhất phẩm trong triều mà họ đã nhắm từ trước. Thời gian trôi qua, cô gái cũng dần nguôi ngoai nỗi buồn về người yêu cũ, thuận lấy chồng và sống một cuộc đời vinh hoa. Chờ người yêu mỏi mòn không thấy, oan hồn chàng trai uất hận cho số phận bất trắc của mình, bèn lang bạt vào chùa Thiên Mụ ngự trước mặt sông Hương, thề độc sẽ phá những đôi tình nhân đến đây viếng chùa. Có lẽ vì tích đó mà người ta truyền miệng nhau rằng, những ai còn cô đơn đến đây thành tâm cầu nguyện sẽ gặp được người thương, còn nếu có người yêu mà dắt nhau tới chùa, ắt sẽ chia lìa tan tác.
VƯỜN QUỐC GIA BẠCH MÃ
Truyền thuyết về cái tên Bạch Mã: người dân nơi đây kể rằng, các cụ ngày trước thường gặp tiên ngồi đánh cờ, ngựa đi ăn cỏ đồng xa. Một lần, ngựa mải ăn, đi xa quá, khi trở lại thì tiên đã bay về trời, ngựa nhớ chủ lang thang đi tìm, hóa thành mây trắng mang hình con ngựa. Cái tên Bạch Mã có từ đó.
Khu du lịch sinh thái Bạch Mã nằm ở phân khu hành chính dịch vụ du lịch của Vườn quốc gia Bạch Mã. Đây từng là khu nghỉ mát khá nổi tiếng thời Pháp thuộc; với diện tích 300ha, cách Quốc lộ IA khoảng 16km, nằm ở độ cao từ 1.000m đến 1.450m so với mực nước biển, nổi tiếng là khu nghỉ mát lý tưởng bởi vẻ đẹp của rừng mưa á nhiệt đới và khí hậu mát mẻ – nhiệt độ vào mùa hè chỉ từ 18-23 độ C. Đến Bạch Mã, du khách sẽ có dịp khám phá những con đường mòn thiên nhiên kỳ thú như đường mòn Trĩ Sao, đường mòn thác Đỗ Quyên, đường mòn thác Ngũ Hồ, đường mòn Hải Vọng Đài. Thú vị hơn bởi nơi đây có gần 2.150 loài thực vật, trong đó có một số loài quý hiếm, có giá trị cao như trầm hương và gần 1.500 loài động vật, trong đó có hàng chục loài có tên trong sách đỏ, đặc biệt như sao la, một trong số loài thú được phát hiện ở nước ta…Phong cảnh hùng vĩ với nhiều đỉnh núi cao, suối thác trong xanh và hệ sinh thái giàu có với nhiều loài động, thực vật đan xen giữa nhiệt đới và á nhiệt đới. Đây là địa điểm du lịch khá lý thú để du khách có thể mang balô, sau bao ngày bộn bề công việc.
Thời gian tốt nhất để du khách đến thưởng ngoạn Bạch Mã là mùa hạ và đầu thu. Không khí se se lạnh sẽ làm dịu dàng những bước chân để chúng ta chinh phục hết vẻ đẹp của Bạch Mã là bức tranh hùng vĩ và thơ mộng được tạo thành bởi các dãy núi cao trùng điệp, là trung tâm dải rừng xanh tự nhiên còn lại duy nhất của Việt Nam và cũng là phần cuối cùng của dãy Trường Sơn Bắc kéo dài từ biên giới Việt – Lào ra tận biển Đông. Ở đây thắng cảnh và di tích hòa quyện vào nhau tạo cho Bạch Mã một địa điểm du lịch có nét duyên riêng
Đến với vườn quốc gia Bạch Mã, du khách sẽ thấy những thảm mây mang hình những chú ngựa trắng (nên gọi là Bạch Mã) luôn song hành cùng chúng ta, tạo nên một cảm giác như đang sống ở chốn bồng lai tiên cảnh. Thả bước dưới rừng nguyên sinh, tựa mình vào cội cây già, chúng ta như được sống trong vòng tay của người mẹ thiên nhiên.
Nhìn những cây cổ thụ, thân cây to đến 3-4 vòng tay ôm, chúng ta càng thấm thía hơn công lao của một đời người đời cây. Nơi đây có khách sạn, nhà hàng, quán bar nằm trên đỉnh núi, ngày xưa là biệt thự nghỉ mát của người Pháp và vua Bảo Đại, nay được xây dựng lại theo khuôn mẫu cũ rất khang trang. Đó là nơi nghỉ lưng tốt nhất để du khách yên tâm thong dong thu hết vẻ đẹp Bạch Mã vào lòng.
Tất cả mở ra khi chúng ta đặt chân đến Hải Vọng Đài. Thả mắt xuống khắp nơi, ta sẽ thấy “Đường vô xứ Huế quanh quanh/ Non xanh nước biếc như tranh họa đồ”. Một phá Tam Giang no tròn mùa hải sản. Hay hồ Truồi uy nghi bên Thiền viện Trúc Lâm – bầu sữa tươi mát cho vườn Truồi “mít ngọt dâu thơm”…
Vườn quốc gia Bạch Mã có rất nhiều cây gỗ quí hiếm được người Pháp đem qua trồng. Rừng núi nên đường đi có nhiều dốc võng, thế nhưng du khách không hề thấy mệt mỏi mà ngược lại trên môi luôn nở nụ cười. Bởi ở đây có hướng dẫn viên rất tài hoa biết “nói tiếng loài vật”. Anh có thể gọi sao la hoặc hơn mười loài chim về bên chúng ta. Mỗi loài một giọng hót khác nhau, đồng thanh hòa tấu lên những bản nhạc núi rừng líu lo trìu mến. Đêm đến, mọi du khách ở đây không phân biệt lạ quen, màu da, tiếng nói, chỉ biết là đang cùng chung sống dưới mái nhà nguyên sinh Bạch Mã. Và cứ thế họ cùng nhâm nhi trà, rượu, hát cho nhau nghe hoặc thả hồn lắng đọng trong màn đêm Bạch Mã.
Xuôi dòng suối Yến, vượt qua vùng Ngũ Hồ huyền diệu của Vườn quốc gia Bạch Mã, cuốc bộ thêm 45 hoặc 50 phút nữa thì tới đỉnh ngọn thác mang tên một loài hoa rất đẹp và hiếm: Đỗ Quyên. Con đường mòn quanh co và khá gập ghềnh, lúc vượt dốc, lúc lội suối
Nếu ai có thú thăm viếng những thác đẹp của Việt Nam mà chưa đến chiêm ngưỡng thác Đỗ Quyên của núi rừng Bạch Mã thì là điều khiếm khuyết. Đến rồi bạn hãy so sánh xem có nơi nào thác cao và hoang sơ như ở nơi đây. Thậm chí còn ước ao giá như được ngắm nhìn dòng thác vào mùa nước lớn. Khi ấy người yếu bóng vía chắc sẽ không dám nhìn vào dòng nước đục ngầu, cuồn cuộn đổ từ cao độ gần 300m. Đây là điểm cuối cùng mà mọi du khách không thể bỏ qua khi tới Bạch Mã. Bởi đây là nguồn cảm xúc thăng hoa của du khách đối với Bạch Mã. Để được chiêm ngưỡng thác Đỗ Quyên trọn vẹn, du khách phải đi xuống 689 bậc đá. Thác Đỗ Quyên là dải lụa trắng, là món quà mà Bạch Mã sẽ quàng mãi trong trí nhớ của mọi người đến đây.
Biển Lăng Cô
Nếu ai đã một lần đến miền đất kinh đô Huế xưa, miền đất mộng mơ với tà áo dài tím, với nhịp cầu Tràng Tiền, sông Hương Bến Ngự, và với những bãi biển thoải dài mang vẻ đẹp hiền hoà thơ mộng thì không thể không ghé thăm bãi biển Lăng Cô được mệnh danh là “người đẹp làng chài”. Nhiều du khách khi tới Huế, được đắm mình trong khung cảnh ở Lăng Cô đã nói rằng “Lăng Cô đẹp hơn tranh thủy mặc”, và không có gì “quá lời” vì đây là thực tế.
Trước đây, Lăng Cô có tên là An Cư, người Pháp đến chọn làm chỗ nghỉ dưỡng và viết An Cư thành “L’ Anco” – đọc chệch thành Lăng Cô từ đó. Tương truyền vua Khải Định trong chuyến tuần du năm đầu lên ngôi (mùa hè 1916), khi đi dọc theo dãy sông núi phía nam kinh đô đã thốt lên “Quả là chốn bồng lai tiên cảnh!”. Hiện tại, thôn An Cư Đông có một bia đá khắc bài văn của vua Khải Định ca tụng cảnh sắc Lăng Cô.
Nằm ở chân đèo Hải Vân, trong đầm phá Lập An nguyên sơ và huyền bí. Một bên là dãy Trường Sơn hùng vĩ, bên kia là bờ biển Đông xinh đẹp, Lăng Cô được coi là một trong những bờ biển đẹp nhất Việt Nam và là 1 trong 27 vịnh đẹp nhất hành tinh vừa được CLB “Những vịnh đẹp nhất thế giới” công nhận tại Lisbon, thủ đô Bồ Đào Nha vào ngày 24/5/2008.
Bãi biển Lăng Cô nằm trên đường cong đẹp nhất của đất nước Việt Nam, nơi mà du khách có thể ngắm cảnh mặt trời mọc lúc bình minh, nơi mà đã thu hút rất nhiều du khách bởi vẻ đẹp kỳ vĩ của núi rừng và biển cả cùng với cụm “Hải Vân non nước” được đưa vào danh sách các khu du lịch quốc gia Việt Nam. Bãi biển Lăng Cô từ lâu đã nổi tiếng là một bãi biển có các điều kiện tự nhiên và phong cảnh vào loại đẹp nhất hành tinh – với bãi cát trắng dài tới hơn 10 km , giống như tấm lưng thon của một thiếu nữ đang nằm trước biển đón từng ngọn sóng trắng xoá dạt vào bờ cát mịn, những dãy cồn cát tuyệt đẹp dưới những hàng cây xanh mát ,làn nước biển trong xanh bao la, những cánh rừng nhiệt đới xanh thẫm và những đỉnh núi nhấp nhô vẫn chưa đủ để mô tả Lăng Cô nếu chưa nhắc tới đầm Lập An rộng lớn, đầy huyền bí. Vào khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 7, nơi này ngập tràn bầu không khí dịu mát vô cùng dễ chịu. Vào những ngày cuối thu, Lăng Cô đắm chìm trong làn sương mờ ảo. Chiều chiều, từng đàn cò trắng kéo nhau bay rợp trời về vùng đầm Lập An tìm chỗ ngủ.Thật tuyệt đẹp ! Lăng Cô như các du khách thường nói: ”Lên núi gặp người hung Bạch Mã, xuống biển gặp người đẹp Lăng Cô”.
Khi đến thăm làng chài Lăng Cô, người dân hiếu khách ở đây sẽ sẵn sàng cùng bạn lênh đênh trên mặt đầm Lập An để câu cá. Nhờ sự kết hợp của núi và biển, thiên nhiên đã tạo ra khu đầm này với đủ loại hải sản, cá nước lợ, trai, sò huyết, hàu… Đặc biệt, ngoài các loại tôm cua cá mực, biển Lăng Cô còn có một sản vật quý hiếm dùng làm dược liệu là cá ngựa và bào ngư . Phần đông du khách đến với Lăng Cô đều khoái các thú vui như câu cá, lặn biển và leo núi, xuyên rừng. Đặc biệt khi đến với Lăng Cô du khách có thể thưởng thức món bánh canh chả cua thơm ngọt, đĩa ghẹ luộc đỏ au như mời gọi, bát bún riêu càng cua bóc vỏ, lộ lớp thịt trắng muốt hay món sò huyết Lăng Cô ngon tuyệt vời dưới bàn tay khéo léo, và những món gia vị cay nồng, nổi tiếng khắp vùng
KHÁCH SẠN KIM XUYẾN SẦM SƠNKhách sạn Sầm Sơn – Kim Xuyến được xây dựng hoàn toàn mới và được đưa vào sử dụng phục vụ quý khách du lịch từ tháng 4 ... Xem tiếp |
KHÁCH SẠN HUY HOÀNG SẦM SƠNĐịa chỉ: Số 16 Đường Tống Duy Tân, Bãi Tắm C, P.Bắc Sơn – Sầm Sơn Khách sạn Huy Hoàng cách biển 30 m bao gồm 5 tầng với tổng số 30... Xem tiếp |
Vanchai Resort - Sầm Sơn Thanh HóaThư ngỏ Chào mừng Quý khách đến với Vạn Chài Resort, một thiên đường thanh bình nằm trên bãi biển Sầm Sơn. Vạn Chài Resort mang nét ... Xem tiếp |
|
Gia Lai
Bình Định
Vĩnh Phúc
Đồng Tháp
Quảng Ngãi
Bình Dương
Đồng Nai
Bạc Liêu
An Giang
Bình Phước
Phú Yên
Sóc Trăng
Điện Biên
Quảng Nam
Bắc Giang
Ninh Thuận
Bình Thuận
Khánh Hòa
Vĩnh Long
Vĩnh Long
Lâm Đồng
Hải Nam
Hưng Yên
Hải Dương
Tuyên Quang
Cao Bằng
Yên Bái
Tây Ninh